Trái chiều quan điểm
Đề xuất dùng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu (XLNX), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra trong Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đã và đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp trái chiều. Bên cạnh phần lớn ý kiến ủng hộ, cũng có không ít ý kiến phản đối.
Những ý kiến ủng hộ cho rằng, trên thực tế đúng là có một số ngân hàng yếu kém trong quản lý tín dụng dẫn tới nợ xấu, nhưng vấn đề cơ bản và chủ yếu nhất của nợ xấu phát sinh trong những năm qua là bắt nguồn từ tình hình kinh tế. Bởi nợ xấu của các TCTD phát sinh, khi mà nhiều DN không bán được sản phẩm và mỗi năm có hàng chục nghìn DN ngừng hoạt động nên không trả được nợ cho ngân hàng, thì đó là vấn đề của nền kinh tế. Vì vậy, ngân sách Nhà nước tham gia vào XLNX là cần thiết.
Với những ý kiến phản đối, lý do chính đưa ra là tiền ngân sách là tiền của dân, dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Một số ý kiến còn cho rằng, nợ xấu hoàn toàn do ngân hàng quản lý yếu kém nên ngân hàng phải tự xử lý.
Tuy nhiên, cho dù là ủng hộ hay phản đối sử dụng vốn ngân sách để XLNX, các bên đều hướng đến đóng góp nhằm lựa chọn ra phương án tốt nhất cho XLNX. Với quan điểm nhất quán này, nhưng theo hướng nếu tiếp cận trên góc độ lợi, hại của sử dụng ngân sách để XLNX, tôi cho rằng lợi nhiều, hại ít.
Bốn lợi ích căn bản
Về lợi ích, thứ nhất, tiền ngân sách để XLNX không phải chuyển tiền cho không các TCTD để bù các khoản thiếu hụt trong quá trình XLNX; không phải cho không DN được giao nhiệm vụ (ở đây là VAMC) để mua nợ xấu. Mà ngân sách ứng ra và sẽ thu về sau khi VAMC xử lý được nợ xấu.
VAMC dùng tiền ngân sách mua nợ theo giá thị trường, rồi bán nó hoặc bán tài sản bảo đảm để thu hồi vốn. Nếu khoản nợ xấu bán thấp hơn giá mua, ngân sách sẽ bị lỗ phần thiếu hụt. Ngược lại, nếu bán cao hơn giá mua, ngân sách sẽ thu lợi. Như vậy, ngân sách sẽ được bảo toàn hoặc có thể bị thiếu hụt một phần sau khi VAMC hoàn thành cơ bản sứ mệnh XLNX. Cái lợi lớn nhất ở đây là thế giới thấy được Việt Nam quan tâm đúng mức về XLNX.
Thứ hai, ngoài tiền trích lập dự phòng để XLNX của các TCTD, thì ngân sách và các khoản tiền huy động được từ các tổ chức có đủ điều kiện mua bán nợ xấu là “tiền tươi, thóc thật”, mới có khả năng XLNX nhanh và triệt để. Bởi với những quy định của pháp luật hiện hành và thực trạng thị trường mua bán nợ xấu chưa phát triển như hiện nay, thì khó có thể huy động vốn từ các tổ chức tài chính để XLNX. Còn việc VAMC mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt như thời gian qua chủ yếu chỉ là hình thức kéo dài thời gian để TCTD có thể trích lập đủ dự phòng XLNX.
Thứ ba, nếu cứ phó mặc cho TCTD tự trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thì lợi bất cập hại. Người gửi tiền, vay tiền ngân hàng và nền kinh tế chịu tác động tiêu cực khi ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro để XLNX. Để trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, ngân hàng chỉ tiết giảm chi phí để tăng thu nhập là chưa đủ, mà phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng giảm lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay để gia tăng thu nhập. Như vậy, thiệt thòi cuối cùng vẫn sẽ là người gửi tiền và người vay tiền tại ngân hàng.
Điều này cũng đồng nghĩa với DN vay tiền khó tiếp nhận vốn để mở rộng sản xuất, kéo theo thu ngân sách bị hạn chế và sức cạnh tranh của DN nói riêng, của nền kinh tế nói chung bị suy giảm. Như vậy, ngân sách tham gia XLNX sẽ có lợi cho người gửi tiền, vay tiền và nền kinh tế.
Thứ tư, vốn ngân sách tham gia XLNX sẽ góp phần giúp ngành Ngân hàng vượt qua khó khăn, điều cần thiết lúc này. Hiện tại, ngành Ngân hàng đang nắm 80% tài sản ngành tài chính Việt Nam, nên nếu không có giải pháp cải thiện tình hình nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.
Qua 4 năm (2012-2015), ngành Ngân hàng đã xử lý được 131.519 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích dự phòng, tương đương với 31% vốn điều lệ bình quân cùng giai đoạn của toàn Ngành. Đây là mức trích lập rất lớn, nhiều ngân hàng đã “ăn vào” vốn tự có do không tạo ra đủ lợi nhuận để trích lập. Nhìn một cách công tâm, sau 30 năm đổi mới, ngành Ngân hàng có đóng góp lớn trong việc đầu tư vốn chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế hàng năm, vì vậy việc theo đuổi quan điểm cứng rắn “tự làm tự xử” là chưa thấu tình đạt lý.
Nhiều nước dùng ngân sách XLNX
Về bất lợi, trong điều kiện ngân sách thường xuyên thiếu hụt, việc tạo thêm một khoản mục ứng tiền cho XLNX là một áp lực cho Chính phủ, các bộ, ngành... Việc huy động vốn ngân sách để XLNX sẽ tăng nợ công của Chính phủ, trong khi nợ công sắp đạt ngưỡng giới hạn...
Hầu hết các nước trên thế giới, ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng để XLNX của nền kinh tế |
Tuy nhiên, nhìn ra hầu hết các nước trên thế giới, ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng để XLNX của nền kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-2000, để XLNX các TCTD, các nước sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp mạnh.
Trong đó, việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC) là giải pháp trung tâm mà các quốc gia lựa chọn. Với mỗi quốc gia, do những đặc điểm kinh tế-xã hội và lịch sử khác nhau nên AMC của mỗi nước có cách thức hoạt động riêng, nhưng điểm chung mà các nước đều làm là ngân sách nhà nước tham gia với tư cách là nguồn lực quan trọng để thực hiện XLNX thông qua cơ chế hoạt động của các AMC.
Tại Nhật Bản giai đoạn 1995-2000, Bộ Tài chính “bơm” gần 10.000 tỷ yên để XLNX. Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) thậm chí “bơm” thanh khoản mà không cần tài sản thế chấp. Ở Mỹ, để giải quyết nợ xấu và hỗ trợ thanh khoản các TCTD cho cuộc khủng hoảng 2008-2009, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bơm 700 tỷ USD cho các TCTD nước này. Ngân hàng Trung ương Anh chi 500 tỷ bảng để đảm bảo thanh khoản và XLNX ngành Ngân hàng nước này giai đoạn 2008-2009.
Với thực tế trên, việc ngân sách Nhà nước tham gia XLNX của nền kinh tế là cần thiết và hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Qua 4 năm (2012-2015), ngành Ngân hàng đã xử lý được 131.519 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích dự phòng, tương đương với 31% vốn điều lệ bình quân cùng giai đoạn của toàn Ngành. Đây là mức trích lập rất lớn, nhiều ngân hàng đã “ăn vào” vốn tự có do không tạo ra đủ lợi nhuận để trích lập. Nhìn một cách công tâm, sau 30 năm đổi mới, ngành Ngân hàng có đóng góp lớn trong việc đầu tư vốn chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế hàng năm, vì vậy việc theo đuổi quan điểm cứng rắn “tự làm tự xử” là chưa thấu tình đạt lý. |