Có rất nhiều nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển một hệ thống BHTG hiệu quả. Theo nghiên cứu của Hội đồng ổn định tài chính (FSB), cấu trúc và các đặc điểm thiết kế phải bao gồm: Chức năng, nhiệm vụ và cấu trúc; Mối quan hệ giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính; Cơ chế thành viên và Hạn mức; Cấp vốn; Nâng cao nhận thức công chúng và Các vấn đề xuyên biên giới. Trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ đề cập đến nội dung đầu tiên là Chức năng, nhiệm vụ và cấu trúc, trong đó có 04 nội dung: (i) Chức năng nhiệm vụ; (ii) Cấu trúc cơ bản; (iii) Quản trị; (iv) Nhân sự và bảo vệ pháp lý.
Mô hình tổ chức BHTG trên thế giới
1. Chức năng, nhiệm vụ
Không có một nhiệm vụ riêng lẻ hoặc một nhóm các nhiệm vụ nào phù hợp với tất cả các tổ chức BHTG. Hiện tại, các tổ chức BHTG trên thế giới có những chức năng nhiệm vụ từ mức độ hẹp (đơn thuần chi trả), đến rộng hơn với nhiều chức năng, trách nhiệm hơn (chi trả mở rộng hoặc hạn chế rủi ro). Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức sử dụng kết hợp các nhiệm vụ với nhau. Cho dù lựa chọn chức năng nhiệm vụ nào, điều quan trọng là phải có sự thống nhất giữa các mục tiêu và chức năng được trao cho tổ chức BHTG.
Chi trả
Hệ thống chi trả đơn thuần chỉ giới hạn nhiệm vụ ở việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền sau khi ngân hàng đóng cửa. Như vậy, hệ thống này thông thường không có trách nhiệm liên quan đến giám sát và quy định an toàn hay can thiệp. Dù vậy, hệ thống chi trả đơn thuần yêu cầu phải có một thẩm quyền phù hợp cũng như khả năng tiếp cận thông tin tiền gửi cũng như nguồn quỹ đủ để chi trả kịp thời và hiệu quả cho người gửi tiền.
Chi trả mở rộng
Hệ thống này, ngoài chức năng chi trả, còn kết hợp với các chức năng xử lý, hoặc của cơ quan giám sát hoặc cơ quan điều hành an toàn vĩ mô
Hạn chế tổn thất
Hệ thống này đặt mục tiêu giảm thiểu tổn thất đối với người nộp thuế, bởi vậy nó được trao những công cụ luật pháp (như lập ngân hàng bắc cầu, thay thế Ban điều hành ngân hàng yếu kém…) để lựa chọn chiến lược xử lý có chi phí thấp nhất.
Hạn chế rủi ro
Hệ thống BHTG này có chức năng, nhiệm vụ rộng hơn như: khả năng kiểm soát việc gia nhập và rút khỏi hệ thống BHTG, khả năng có thể đánh giá và quản lý rủi ro và nhất là được kiểm tra ngân hàng hoặc được yêu cầu kiểm tra ngân hàng. Hệ thống này cũng có thể hỗ trợ tài chính để xử lý ngân hàng đổ vỡ theo cách thức hạn chế tổn thất đối với tổ chức BHTG, thậm chí còn có quyền đặt ra quy định cũng như tiến hành hoạt động xử lý đổ vỡ.
Việc chính thức hóa nhiệm vụ của tổ chức BHTG (trong luật, tuyên bố chính sách, thỏa thuận hay hợp đồng) phải làm rõ vai trò của nó trong mạng an toàn tài chính. Điều đó sẽ củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính cũng như đóng góp vào cơ chế quản trị hiệu quả và đáng tin cậy. Tóm lại, nguyên tắc chung là, một tổ chức BHTG cần có tất cả những quyền hạn cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình, ví dụ như quyền được ký kết hợp đồng, đưa ra những đòi hỏi phù hợp, tiếp cận lúc cần thiết những thông tin chính xác để đảm bảo việc bảo vệ người gửi tiền, vv…vv
2. Cấu trúc cơ bản
Cho dù tổ chức BHTG có phạm vi nhiệm vụ đến đâu, có một số vấn đề liên quan đến cấu trúc và hoạt động cần phải được lưu ý. Trước tiên, cần phải xác định tổ chức BHTG sẽ là một bộ phận của một tổ chức đang tồn tại hay là một tổ chức độc lập. Nếu là một phần của tổ chức sẵn có (ví dụ như thuộc về Ngân hàng trung ương), điều này sẽ có lợi thế về nguồn lực con người cũng như các kỹ năng có sẵn được sử dụng ngay. Tuy vậy, điểm bất lợi là bản thân tổ chức sẵn có đó sẽ gặp khó khăn khi tách biệt các nhiệm vụ, trách nhiệm, lợi ích của mình với chức năng của tổ chức BHTG. Đặc biệt, kinh nghiệm cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng, những sức ép chính trị có thể dẫn đến quyết định không có lợi cho một hệ thống ngân hàng hiệu quả và vững mạnh trong dài hạn. Một tổ chức BHTG độc lập có thể tránh được những sức ép này.
Có thể nói, dù là một bộ phận hoặc là một tổ chức độc lập, quan trọng là cần phải phân biệt rõ ràng trách nhiệm và nhiệm vụ của từng thành viên trong mạng an toàn tài chính.
3. Quản trị
Có nhiều hình thức quản trị hệ thống BHTG có thể áp dụng. Nó phản ánh nhiệm vụ và mức độ độc lập của tổ chức BHTG và các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính. Ban quản trị của tổ chức BHTG phải bao gồm các cá nhân có kiến thức cần thiết, hiểu biết sâu sắc về hoạt động cũng như môi trường kinh tế xã hội và được trao quyền đưa ra quyết định cần thiết. Tổ chức BHTG cũng phải được tiếp cận với thông tin đầu vào hay quan điểm của các thành viên khác thuộc mạng an toàn tài chính và các bên liên quan. HĐQT của tổ chức BHTG cũng như Ban lãnh đạo phải đáp ứng được yêu cầu về sự phù hợp (năng lực với vị trí tương ứng) cũng như không gây ra mâu thuẫn lợi ích nào. Hệ thống quản trị cũng như thực tiễn quản trị cần được xây dựng trên cơ sở kế hoạch chiến lược, các quá trình quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm toán vững chắc. Cấu trúc quản trị cũng cần minh bạch và phải được giảm sát. Các nguyên tắc cụ thể hóa thực tiễn quản trị cũng cần được xây dựng.
4. Nhân sự và bảo vệ pháp lý
Khả năng thu hút và giữ được cán bộ có năng lực là một thách thức lớn đối với hầu hết các tổ chức BHTG. Trên thực tế, việc thiếu những cán bộ có chuyên môn cao cũng như khả năng giải quyết các vấn đề có diễn biến nhanh và phức tạp trong giai đoạn khó khăn hoặc khủng hoảng đã làm tăng chi phí cho nhiều chính phủ cũng như tổ chức BHTG.
Các hệ thống BHTG đã áp dụng nhiều cách thức như sử dụng các nguồn lực của mình hoặc của các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính và/hoặc dựa vào cơ quan cung cấp dịch vụ bên ngoài để đảm bảo có đủ cán bộ năng lực tốt đáp ứng mục tiêu của mình.
Tầm quan trọng của quy định về bảo vệ pháp lý cũng cần phải được nhìn nhận và cán bộ BHTG cần phải được bảo vệ chống lại khỏi các vụ kiện vì những hành động có thiện ý. Việc thiếu các quy định bảo vệ pháp lý sẽ làm giảm động lực của cán bộ BHTG khi thực hiện trách nhiệm, đặc biệt trong các trường hợp khi có cảnh báo sớm, can thiệp và đóng cửa các ngân hàng yếu kém.
Mô hình tổ chức BHTG tại Việt Nam (BHTGVN)
Sau khi Luật BHTG được Quốc hội 13 kỳ họp thứ III thông qua tháng 6/2012 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2013, mục tiêu hoạt động và chức năng nhiệm vụ của BHTGVN đã được quy định rõ ràng. Theo đó, mục tiêu của BHTGVN là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. BHTGVN có chức năng chủ yếu là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm, ngoài ra BHTGVN được theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG; Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng; tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ, vv.
BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, và chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, chế độ tiền lương, tiền công,… của BHTGVN phải tuân thủ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, chế độ tài chính của BHTGVN do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quy định.
Hệ thống quản trị của BHTGVN hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện tại, HĐQT gồm có 05 thành viên chuyên trách có kiến thức và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và BHTG. Quyền và nghĩa vụ của HĐQT cũng đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật về BHTG cũng như Quy chế nội bộ của BHTGVN về hoạt động của HĐQT.
BHTGVN cũng dành nhiều ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên thực hiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có quy định về bảo vệ pháp lý cho lãnh đạo hay cán bộ của BHTGVN khi thi hành nhiệm vụ của mình.
Một số đề xuất nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống BHTG tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Cho dù BHTGVN áp dụng mô hình hoạt động nào, cũng cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, việc chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ BHTGVN thực hiện tốt nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ cũng như giám sát quá trình tuân thủ các quy định về BHTG là rất quan trọng. Theo đó, BHTGVN cần thúc đẩy việc đề xuất NHNN ban hành cơ chế phối hợp giữa BHTGVN và các đơn vị thuộc NHNN, đặc biệt là cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
Trong thời gian vừa qua, BHTGVN đã đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống quản trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cho hoạt động của HĐQT do thiếu các Ủy ban giúp việc. Ngoài ra, cần xem xét hoàn thiện các quy định liên quan đến việc công khai và minh bạch hóa một số thông tin theo các tiêu chuẩn quốc tế về Quản trị công ty.
Cuối cùng, BHTGVN cần xem xét đề xuất xây dựng quy định liên quan đến bảo vệ pháp lý cho lãnh đạo và cán bộ của BHTGVN khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây là một quy định tương đối phức tạp, vì vậy cần có lộ trình và giải pháp cho từng giai đoạn để có thể nâng cao tính khả thi của quy định này.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn của FSB để xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả
2. Khảo sát thường niên của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế 2014
3. Kinh nghiệm của FDIC về thiết kế hệt thống bảo hiểm tiền gửi và những điều cân nhắc