Trong quá trình phát triển, nhiệm vụ của IDIC đã được mở rộng. Luật Ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng (PPKSK) được ban hành năm 2016 giao thêm cho IDIC vai trò đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và xử lý khủng hoảng. Theo đó, IDIC được giao một số nhiệm vụ mới như can thiệp sớm, thực hiện phương pháp xử lý ngân hàng bổ sung như P&A, ngân hàng bắc cầu. Đồng thời, IDIC là cơ quan chủ trì Chương trình tái cơ cấu ngân hàng và có thể phát hành trái phiếu. Để thực hiện các nhiệm vụ mới được giao này đòi hỏi IDIC phải thực hiện cải cách.
Kinh nghiệm cải cách hệ thống BHTG của Indonesia và liên hệ với Việt Nam
 Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Indonesia (IDIC) là tổ chức BHTG duy nhất tại Indonesia được thành lập ngày 22/9/2005 sau khi Luật BHTG được ban hành ngày 22/9/2004. Theo Luật BHTG Indonesia, IDIC có vai trò chính là BHTG và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng thông qua xử lý và giải quyết êm thấm các ngân hàng đổ vỡ. IDIC nhận thông báo của cơ quan giám sát về ngân hàng gặp vấn đề đang trong tình trạng giám sát đặc biệt nhằm khôi phục năng lực thanh khoản của ngân hàng. Đối với những ngân hàng đổ vỡ không ảnh hưởng hệ thống sẽ được giao trực tiếp cho IDIC xử lý, còn ngân hàng đổ vỡ mang tính hệ thống sẽ được giao cho IDIC sau khi có quyết định của Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (FSSC). 
IDIC đã đặt ra mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh mới mang tính toàn cầu hơn. Theo đó, IDIC phấn đấu trở thành cơ quan hàng đầu, đáng tin cậy, được đánh giá cao trong phạm vi quốc gia, quốc tế trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiền gửi của khách hàng và xử lý ngân hàng, từ đó góp phần tăng cường, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. IDIC cam kết: (i) thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi hiệu quả nhằm bảo vệ người gửi tiền; (ii) thực hiện xử lý ngân hàng đạt hiệu quả và hiệu suất cao; (iii) giải quyết khủng hoảng thông qua tái cấu trúc ngân hàng hiệu quả; (iv) trở thành cơ quan có đủ năng lực, góp phần tích cực vào việc tăng cường và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
IDIC nhận thấy cơ cấu tổ chức cũ đã không còn hiệu quả trong hỗ trợ sự phối hợp của cả quá trình kinh doanh và không hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ mới theo Luật PPKSK. Cụ thể, chức năng nghiên cứu còn hạn chế, không có đơn vị thực hiện để triển khai nhiệm vụ mới, đặc biệt là Chương trình tái cấu trúc ngân hàng; IDIC không có đủ nhân lực để phát hiện sớm đổ vỡ và xử lý ngân hàng bị đổ vỡ; khối lượng công việc giữa các đơn vị không cân đối. Vì vậy, IDIC đã thực hiện nghiên cứu xác định quy mô phù hợp cho IDIC và đáp ứng những nhiệm vụ mới. IDIC thực hiện phân tích khối lượng công việc (quy mô) để tính toán số lượng cán bộ nhất định cần để bổ sung thiếu hụt đối với nhiệm vụ mới. IDIC đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 đủ nguồn nhân lực để xử lý 1 ngân hàng quan trọng trong hệ thống, 1 ngân hàng thương mại và 5 ngân hàng nông thôn nhỏ. Năm 2017, IDIC thay đổi cơ cấu tổ chức bằng cách thành lập thêm một số phòng mới, và cũng cải tiến mô tả công việc đối với tất cả các phòng, cả mới và cũ, dựa trên kết quả nghiên cứu tổ chức.
Tại thời điểm đánh giá năm 2016, hệ thống công nghệ thông tin của IDIC có rất nhiều lỗ hổng cần được xử lý. Ví dụ như một số quy trình chủ chốt, phân tích vẫn đang làm thủ công và thiếu công cụ hợp nhất, cần phát triển các công cụ để hỗ trợ IDIC thực hiện nhiệm vụ mới và cần quan tâm tới lĩnh vực bảo mật công nghệ thông tin. Do đó, IDIC thực hiện cải cách năng lực CNTT theo 3 giai đoạn:
IDIC xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới trên nền tảng các khả năng để: (i) Đảm bảo tiền gửi của khách hàng với dữ liệu chính xác và khả năng giám sát cao; (ii) Thực hiện xử lý ngân hàng chính xác, tích hợp và tự động; và (iii) Thực hiện Điều hành chương trình tái cơ cấu ngân hàng chính xác, tích hợp và tự động. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh việc thanh toán tiền gửi được bảo hiểm sau khi ngân hàng bị thu hồi giấy phép kinh doanh, IDIC phát triển hệ thống Báo cáo dữ liệu tiền gửi được bảo hiểm dựa trên khách hàng (Single Customer View - SCV)). SCV cung cấp thông tin toàn diện và đáng tin cậy liên quan đến dữ liệu về tiền gửi và khoản vay của khách hàng tại ngân hàng giúp IDIC rút ngắn thời gian chi trả BHTG cho người gửi tiền tại ngân hàng thương mại từ 30 ngày xuống còn dưới 7 ngày trong năm 2022.
Luật PPKSK có tác động lớn tới quy trình hoạt động của IDIC khi thực hiện các nhiệm vụ của mình. Theo Luật BHTG, IDIC thực hiện giám sát khi ngân hàng hoạt động bình thường, kiểm tra khi ngân hàng giám sát đặc biệt và tiến hành xử lý khi ngân hàng đổ vỡ. Theo Luật PPKSK, IDIC thực hiện giám sát khi ngân hàng hoạt động bình thường, kiểm tra khi ngân hàng giám sát chuyên sâu, tiến hành tiếp thị khi ngân hàng giám sát đặc biệt, xử lý khi ngân hàng đổ vỡ (thêm biện pháp xử lý P&A, ngân hàng bắc cầu) và thực hiện BRP trong khủng hoảng tài chính.
Để đáp ứng nhiệm vụ mới theo Luật PPKSK, IDIC đã cải tiến quy trình nghiệp vụ, cụ thể như sau:
IDIC thực hiện giám sát khi ngân hàng hoạt động bình thường. Các chỉ số của Hệ thống cảnh bảo sớm bao gồm: (1) Chỉ số ổn định ngân hàng; (2) Chỉ số riêng của các ngân hàng: xếp hạng ngân hàng, thay đổi xếp hạng ngân hàng, xác suất khách hàng không trả được nợ của ngân hàng; (3) Chỉ số phạm vi bảo hiểm: phạm vi bảo hiểm, rút tiền hàng loạt, tỷ lệ các ngân hàng chuẩn có lãi suất cao hơn lãi suất được mức lãi suất được bảo hiểm bởi IDIC, chênh lệch giữa lãi suất được bảo hiểm và lạm phát.
IDIC thực hiện chuẩn bị xử lý ngân hàng không còn khả năng trả nợ khi ngân hàng được giám sát chuyên sâu. Quy trình gồm 3 bước: (1) Tiếp cận sớm/Kiểm tra: thống kê tài sản và nợ phải trả, đánh giá chất lượng tài sản; (2) Ước tính chủ sở hữu (Chi phí / Phí tổn); (3) Phân tích nhà thầu tiềm năng. Đối với ngân hàng mang tính hệ thống, IDIC có thể bán trái phiếu Chính phủ của IDIC cho Ngân hàng trung ương.
IDIC thực hiện hoàn thiện chuẩn bị xử lý ngân hàng khi ngân hàng được giám sát đặc biệt. Các bước thực hiện bao gồm: (1) Chào bán tài sản cho nhà thầu tiềm năng; (2) Chuẩn bị hoạt động ngân hàng bắc cầu; (3) Cập nhật thẩm tra; (4) Thẩm định các nhà đầu tư tiềm năng; (5) Đối chiếu và xác minh; (6) Lưu thông tin; (7) Phân tích tiêu chí.
IDIC thực hiện xử lý khi ngân hàng đổ vỡ. Đối với ngân hàng không mang tính hệ thống, phương pháp xử lý gồm P&A, Ngân hàng bắc cầu, Hỗ trợ tài chính, Chi trả và Thanh lý. Đối với ngân hàng mang tính hệ thống phương pháp xử lý gồm P&A, Ngân hàng bắc cầu, Hỗ trợ tài chính.
Đối với nguồn nhân lực, IDIC nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại như là việc tuyển dụng chưa giải quyết các lỗ hổng năng lực của IDIC, hệ thống quản lý hiệu suất hiện tại có thể không phải cách tiếp cận tốt nhất khi tập trung vào việc xây dựng tổ chức dựa trên năng lực, các chương trình đào tạo vẫn còn nhỏ lẻ mà không dựa trên năng lực, thiếu chương trình quản lý tài năng... Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2021 đủ nguồn nhân lực để xử lý 1 ngân hàng quan trọng trong hệ thống, 1 ngân hàng thương mại và 5 ngân hàng nông thông nhỏ, IDIC sử dụng một loạt các kênh, từ các trường đại học tới công ty tuyển dụng chuyên nghiệp để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định. Cụ thể:
IDIC đã phát triển hệ thống quản lý hiệu suất cá nhân (IPMS) dựa trên hệ thống mô hình thang xếp hạng hành vi (BARS) để đánh giá kỹ năng mềm và năng lực chuyên môn. Kể từ năm 2021, IDIC đã bắt đầu triển khai Chương trình quản lý nhân viên tài năng nhằm đánh giá tiềm năng của các nhân viên, nâng cao khả năng và năng lực của các nhân viên tài năng nhằm chuẩn bị kế nhiệm, bổ sung vào các vị trí cao hơn. Đồng thời, IDIC chú trọng nâng cao năng lực của nhân viên thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo. IDIC xây dựng ứng dụng hệ thống quản lý học tập (Learning Management System – LMS) cung cấp các khóa học mà nhân viên của IDIC có thể truy cập để tự học dễ dàng mọi lúc mọi nơi.
Liên hệ với Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức BHTG duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức hoạt hoạt động từ ngày 07/7/2000.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật BHTG - cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã giao thêm cho BHTGVN một số nhiệm vụ, gồm: (i) cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; (ii) mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (iii) tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân; (iv) tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 xác định BHTGVN cần: Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong thời gian tới, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt là bước ngoặt quan trọng giúp BHTGVN đổi mới và phát triển, nâng cao vị thế, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Những mục tiêu, giải pháp lớn trong Chiến lược phát triển BHTG có thể kể đến là tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm, rút ngắn thời gian chi trả tiền bảo hiểm thực tế, nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách BHTG, nâng cao vai trò của BHTG trong giám sát, kiểm tra, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG cũng như xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Từ kinh nghiệm của IDIC, để thực hiện Chiến lược phát triển BHTG, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, BHTGVN có thể cân nhắc thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, rà soát lại mô hình tổ chức và quy trình nghiệp vụ, từ đó thực hiện những cải cách cần thiết để hoạt động BHTG hiệu quả hơn;
Hai là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong hầu hết các quy trình quản trị và quản lý, chú trọng tới lĩnh vực bảo mật thông tin; Nghiên cứu phát triển hệ thống Báo cáo dữ liệu tiền gửi được bảo hiểm dựa trên khách hàng (Single Customer View (SCV)) để rút ngắn thời gian chi trả BHTG cho người gửi tiền trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm;
Ba là, nghiên cứu phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng mềm, năng lực chuyên môn và tiềm năng của từng nhân viên, từ đó có những chính sách phù hợp nhằm nâng cao khả năng và năng lực của các nhân viên;
Bốn là, xây dựng ứng dụng đào tạo trực tuyến cung cấp các khóa học giúp nhân viên có thể truy cập để tự học dễ dàng mọi lúc mọi nơi, tùy theo nhu cầu và tốc độ riêng của từng người.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo thường niên IDIC 2021
Bài trình bày Quá trình cải cách tại Tổng công ty BHTG Indonesia, 2019