Hiện nay, một số tổ chức BHTG đã chuyển hướng mục tiêu các chương trình truyền thông từ việc chỉ tập trung vào các vấn đề bảo hiểm tiền gửi sang các vấn đề về sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn nhằm củng cố chức năng bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện các chương trình giáo dục kiến thức tài chính tới người gửi tiền. Người tiêu dùng dịch vụ tài chính có đủ hiểu biết có thể áp dụng kỷ luật thị trường tới hệ thống ngân hàng tốt hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động truyền thông trong lĩnh vực BHTG, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn về hoạt động nâng cao nhận thức công chúng vào năm 2009 với bản cập nhật năm 2012 trên cơ sở khuyến nghị của Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (IADI, 2009; cập nhật 2014). Theo đó, nhằm tổ chức một chương trình truyền thông nâng cao nhận thức công chúng hiệu quả, cần xem xét các vấn đề sau:
Chiến lược truyền thông
Tổ chức BHTG cần có chiến lược lâu dài cho hoạt động truyền thông và kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện bất kỳ chiến dịch truyền thông nào, từ đó xác định đối tượng mục tiêu, thông điệp, công cụ và ngân sách cho chiến dịch truyền thông. Chiến lược cần phải được đánh giá và xem xét lại ít nhất một năm một lần để đảm bảo chiến lược phù hợp với mục tiêu của chương trình truyền thông cũng như mục tiêu của hệ thống BHTG.
Hoạt động truyền thông nói chung phải được thực hiện liên tục. Chiến lược truyền thông phải là dài hạn, có thể trên phạm vi toàn quốc, theo vùng miền. Thời điểm quan trọng cho một chiến dịch truyền thông là giai đoạn chuyển từ bảo hiểm toàn bộ sang bảo hiểm có hạn mức, hoặc khi có đổ vỡ ngân hàng.
Đối tượng mục tiêu
Truyền thông về BHTG cần hướng tới nhiều đối tượng, từ truyền thông nội bộ các cán bộ nhân viên của tổ chức BHTG để thống nhất các thông điệp truyền ra bên ngoài, tới việc truyền thông tới các nhà làm luật để họ có được hiểu biết đầy đủ về BHTG trong quá trình xây dựng các luật liên quan, tới các tổ chức tham gia BHTG để họ hiểu trách nhiệm của mình trong việc hoạt động an toàn, tới các cơ quan báo chí truyền thông đại chúng, tới chính những cá nhân/ tổ chức gửi tiền là đối tượng được bảo vệ trực tiếp…
Các bên có trách nhiệm trong hoạt động truyền thông
Tổ chức BHTG phải giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động truyền thông về BHTG. Cần có luật hoặc quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, tổ chức BHTG cũng phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia BHTG, giới truyền thông và các cơ quan liên quan khác nhằm tối đa hóa nguồn lực và mở rộng phạm vi của các chương trình truyền thông.
Nội dung truyền thông
Phạm vi và hạn mức BHTG là những thông tin quan trọng cần truyền thông tới công chúng. Bên cạnh đó, tất cả các thông tin về BHTG có ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền bao gồm lợi ích và hạn chế của cơ chế BHTG, thông tin về tổ chức BHTG, thông tin liên hệ của tổ chức BHTG, phạm vi BHTG, thủ tục chi trả và khiếu nại... cần phải được đề cập.
Công cụ truyền thông
Các công cụ truyền thông có thể được sử dụng rất đa dạng, bao gồm: Truyền thông đại chúng như TV, radio, báo và tạp chí, quảng cáo trong nhà và ngoài trời, truyền thông kỹ thuật số…; Ấn phẩm như báo cáo thường niên, sổ tay chiến lược, kế hoạch ngân sách, tờ tin ngành/ người tiêu dùng,…; Website và truyền thông kỹ thuật số; Bài giảng và hội thảo; Khẩu hiệu và logo; Đường dây tư vấn miễn phí giải đáp thắc mắc cho người dân về các vấn đề liên quan tới BHTG, đặc biệt khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng...
Đánh giá hiệu quả
Hoạt động nâng cao nhận thức công chúng cần được đánh giá hiệu quả một cách thường xuyên. Có 3 hình thức đánh giá: (i) đánh giá đầu ra (in được bao nhiêu ấn phẩm, làm được bao nhiêu quảng cáo….), (ii) đánh giá kết quả (phân tích xem có thay đổi được mức độ hiểu biết/ thái độ/ nhận thức/ độ hài lòng hay không), (iii) đánh giá tác động (có thay đổi được hành vi của người gửi tiền hay không).
Khảo sát là phương thức được sử dụng hiệu quả nhất. Khảo sát trước và sau mỗi chương trình truyền thông, bằng nhiều hình thức như: điện thoại, mail, online hoặc phỏng vấn riêng, hoặc phát tờ rơi in câu hỏi…
Kinh nghiệm của một số quốc gia về hoạt động truyền thông BHTG
Quốc gia
|
Hoạt động truyền thông
|
Đánh giá hiệu quả
truyền thông |
Canada
|
Website, TV và quảng cáo trên giấy in, các chương trình giới thiệu, tổng đài hỗ trợ, tờ rơi, đề can thành viên BHTG dán ở các quầy giao dịch ngân hàng
|
Khảo sát hàng quý
|
Pháp
|
Thông qua các tổ chức tín dụng (bắt buộc), website của tổ chức BHTG, wesite của các cơ quan giám sát
|
Cơ quan giám sát tài chính liên bang kiểm soát cách thức các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin và phân tích khiếu nại của người gửi tiền
|
Hồng Kông
|
Chương trình nhận thức công chúng tích hợp thông qua các chiến dịch quảng cáo truyền thông đại chúng và giáo dục phổ thông, các chương trình phổ biến
|
Khảo sát ý kiến thực hiện 2 lần mỗi năm
|
Ấn Độ
|
Báo cáo thường niên, sách nhỏ, website
|
Không có
|
Indonesia
|
Các chính sách truyền thông, website, quảng cáo, sách giới thiệu, và miếng dán đề can
|
Khảo sát thường niên
|
Italy
|
Các ngân hàng, sách nhỏ
|
Không có
|
Nhật Bản
|
Sách nhỏ, áp phích, quảng cáo tại các ngân hàng, website, thông cáo báo chí, bài phát biểu chính thức, các bài giảng tại trường đại học
|
Khảo sát thường niên
|
Hàn Quốc
|
Quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng, chỗ công cộng, phương tiện giao thông công cộng, website, các phương tiện PR khác
|
Khảo sát thường niên qua điện thoại
|
Mexico
|
Website, chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng, sách nhỏ, chương trình phổ biến, quảng cáo…
|
Khảo sát vào tháng 6 và tháng 11/2011
|
Hà Lan
|
Website và ấn phẩm từ các tổ chức người tiêu dùng
|
Nghiên cứu đột xuất
|
Nga
|
Các chương trình nâng cao nhận thức công chúng, website, truyền thông đại chúng, thông tin viết tay hoặc phân phát tờ rơi, thông cáo báo chí, tổng đài miễn phí, thư gửi người gửi tiền
|
Khảo sát công chúng thường kỳ (thường niên), giám sát truyền thông để đánh giá những nhận xét tích cực và tiêu cực
|
Singapore
|
Thông cáo báo chí và hội thảo, quảng cáo, diễn đàn thành viên BHTG, sách hướng dẫn người tiêu dùng, website BHTG, tổng đài hỗ trợ giải đáp, diễn đàn cộng đồng
|
Khảo sát công chúng 2 năm một lần
|
Tây Ban Nha
|
Website của NHTW
|
Không có
|
Thụy Sỹ
|
Website và thông tin do các ngân hàng cung cấp
|
Khảo sát đột xuất
|
Thổ Nhĩ Kỳ
|
Thông báo tại các ngân hàng, website, báo cáo quý
|
Không có
|
Anh
|
Ban cố vấn của các ngân hàng, quảng cáo, tờ rơi, báo cáo thường niên, website, thông tin do các ngân hàng công bố
|
Nghiên cứu thường kỳ và đánh giá phản ứng của thị trường
|
Mỹ
|
Thông tin niêm yết tại các ngân hàng, website của FDIC (Tổng công ty BHTG Mỹ), tổng đài, chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng, hỗ trợ người tiêu dùng online, bản tin người tiêu dùng của FDIC, tham gia vào các hội thảo và video.
|
FDIC theo dõi tính hiệu quả của các chiến dịch một cách liên tục và thường kỳ
|
Nguồn: Hướng dẫn của IADI về hoạt động nâng cao nhận thức công chúng về BHTG, IADI, 2012
Kinh nghiệm truyền thông của Tổng công ty BHTG Malaysia
Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) triển khai hoạt động nâng cao nhận thức công chúng trên cơ sở Kế hoạch truyền thông tích hợp (ICP) cho giai đoạn 5 năm. Tính tới nay, PIDM đã hoàn thành ICP 2007-2011 và đang giữa giai đoạn triển khai ICP 2012-2016. Cụ thể ICP 2012-2016 tập trung 3 định hướng:
1. Tăng cường nhận thức về PIDM và hệ thống BHTG (BHTG thông thường và BHTG Hồi giáo).
2. Đóng góp vào việc nâng cao hiểu biết và nhận thức về tài chính
3. Củng cố mối quan hệ với các tổ chức tham gia BHTG và các bên liên quan khác
Mỗi năm trong giai đoạn 2012-2016, PIDM lại đặt ra những mục tiêu cụ thể để hiện thực hóa ICP. PIDM xác định mục tiêu cụ thể cho năm 2014 bao gồm:
1. Nâng cao lòng tin của công chúng vào vai trò của PIDM với tư cách là một phần không tách rời của mạng an toàn tài chính.
2. Củng cố nhận thức về hệ thống BHTG thông thường và hệ thống BHTG Hồi giáo với quy mô rộng lớn hơn.
3. Thúc đẩy hiểu biết về đặc điểm, lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG thông thường và hệ thống BHTG Hồi giáo.
Có thể kể tới một số hoạt động PIDM tiến hành trong năm 2014 như sau:
PIDM triển khai các hoạt động truyền thông đa dạng như tiến hành hàng loạt chiến dịch quảng cáo “Bạn có biết không” với những kiến thức cơ bản về PIDM và hệ thống BHTG. Đồng thời, PIDM phát triển loạt sản phẩm từ in ấn (như tờ rơi được in bằng 4 thứ tiếng) cho tới phát thanh truyền hình, online cho chiến dịch Money Smart 123 với 3 thông điệp chính: Biết về sản phẩm tài chính, Biết về các rủi ro tài chính, Biết về quyền lợi tài chính. Ngoài ra, thông tin về chiến dịch Money Smart 123 cũng được tập trung trong một trang nhỏ trên website của PIDM. PIDM còn thực hiện các clip trên Youtube - công cụ hữu ích cho chiến dịch Money Smart 123 nhằm tiếp cận giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, website chính thức của PIDM cũng được nâng cấp thể hiện theo 4 thứ ngôn ngữ, đảm bảo tiếp cận tới mọi thành phần dân cư. Các ấn phẩm được công bố rộng rãi trên website như Kế hoạch hoạt động, Báo cáo thường niên, hướng dẫn, tài liệu nghiên cứu và tư vấn…để công chúng tìm hiểu và phản hồi. Trong năm 2014, PIDM đã tổ chức 11 triển lãm và trưng bày - một con số ấn tượng về hoạt động truyền thông - với nội dung “Tiết kiệm và đầu tư” trên đường phố.
PIDM cũng rất chú trọng tới hoạt động giáo dục tài chính cộng đồng. Dự án MoneySmart của PIDM bắt đầu được triển khai từ năm 2010, với sự phối hợp của Bộ giáo dục, các Cơ quan về giáo dục quốc gia, Sở giáo dục quận…. hướng tới đối tượng giới trẻ, học sinh tại các trường trung học. Dự án MoneySmart hiện đã trở thành môn học lựa chọn cho các trường trung học ở Malaysia.
Có thể kể tới một số hoạt động tăng cường quan hệ với các bên liên quan của PIDM trong thời gian qua như:
- Hoạt động quan hệ với các cơ quan liên quan: PIDM có chương trình thường niên cho hoạt động này – gặp mặt và nói chuyện về các vấn đề liên quan tới BHTG và hệ thống tài chính, với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, các tổ chức liên quan trong ngành tài chính, ngân hàng. Chủ đề năm 2014 là “Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính một cách hiệu quả”.
- Hoạt động quan hệ với các tổ chức tham gia BHTG: tổ chức các buổi đào tạo - năm 2014 tổ chức 100 buổi giới thiệu với hơn 10.000 người tham gia là đại diện các tổ chức tham gia BHTG; gặp mặt đầu năm để cập nhật các chính sách, hướng dẫn về BHTG.
- Hoạt động quan hệ với giới truyền thông: gặp mặt và tổ chức đào tạo về vai trò và hoạt động của PIDM. Năm 2014, PIDM tổ chức được 3 khóa đào tạo.
Một hoạt động rất quan trọng là PIDM tiến hành khảo sát thường niên trên phạm vi toàn quốc, thông qua 1 cơ quan nghiên cứu khảo sát độc lập nhằm đánh giá mức độ nhận thức về PIDM và hệ thống BHTG, từ đó đề ra chiến lược truyền thông và các chương trình phù hợp.
Với các hoạt động trách nhiệm xã hội, PIDM có những chương trình học bổng đào tạo về các chuyên ngành như thống kê, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế học và thương mại, kỹ sư phần mềm; dự án giáo dục tài chính cộng đồng; khuyến khích nhân viên tham gia chung tay hỗ trợ người khó khăn; thực hiện các chương trình chung tay bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, Luật BHTG (2012) quy định hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ của BHTGVN. Trong thời gian qua, BHTGVN đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông hiệu quả có sức lan tỏa trong cộng đồng qua các kênh truyền thông đại chúng như báo đài TV, các cuộc thi tìm hiểu về BHTG…. Tuy nhiên, BHTGVN vẫn còn nhiều điều phải thực hiện và có thể nghiên cứu triển khai các định hướng sau trong thời gian tới:
- Xây dựng một chiến lược truyền thông của BHTGVN trong một giai đoạn dài với mục tiêu cụ thể phù hợp với Chiến lược phát triển BHTGVN.
- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, các ấn phẩm, vật phẩm truyền thông, hoàn thiện các kênh giao tiếp hiện có như website, thiết lập tổng đài tư vấn…
- Tiến hành khảo sát trình độ hiểu biết của công chúng về BHTG và tài chính ngân hàng để có định hướng chiến lược truyền thông phù hợp, bên cạnh đó cũng có hình thức đánh giá hiệu quả của các chương trình truyền thông tới công chúng và các bên liên quan.
- Mở rộng các đối tượng tuyên truyền không chỉ là người gửi tiền, công chúng nói chung mà còn tới cả các cơ quan liên quan trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các cơ quan báo chí, các nhà làm luật…
- Tham gia, đề xuất hoặc chủ động xây dựng những chương trình giáo dục tài chính cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính ngân hàng và BHTG cho người dân, đặc biệt là các đối tượng học sinh - sinh viên và người dân ở những vùng sâu, vùng xa.
Nhìn chung, để thực hiện những hoạt động này, cần thỏa mãn một số điều kiện tiên quyết về nguồn lực bao gồm tài chính, nhân lực, công nghệ, và cả cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong các chương trình lớn mang tính tổng thể. BHTGVN cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện hoạt động tuyên truyền một cách hiệu quả và hệ thống theo một Chiến lược truyền thông bài bản phù hợp với Chiến lược phát triển BHTGVN, trong nỗ lực hướng tới mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính ngân hàng nói chung.
Tài liệu tham khảo
IADI, Hướng dẫn cập nhật về hoạt động nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống bảo hiểm tiền gửi, 2012
IADI, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, 2014
PIDM, Báo cáo thường niên 2014, 2015