Việc thiết kế mô hình của tổ chức BHTG phụ thuộc vào hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội, cấu trúc, đặc điểm thị trường tài chính của mỗi quốc gia nhưng hệ thống BHTG Hàn Quốc được nhiều quốc gia tham khảo vì đảm bảo nguyên tắc chi phí tối thiểu, không dùng tiền ngân sách (thuế của dân) để xử lý đổ vỡ tín dụng, mang lại lợi ích cho người gửi tiền, doanh nghiệp và nền kinh tế. Vậy mục tiêu Luật Bảo vệ người gửi tiền là gì? Mô hình tổ chức được thiết kế như thế nào? Vấn đề cơ chế bảo hiểm tiền gửi hay việc hình thành và quản lý nguồn Quỹ BHTG ra sao là những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Mục tiêu Luật bảo vệ người gửi tiền Hàn Quốc
Luật được ban hành năm 1995 nhằm bảo vệ người gửi tiền và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính bằng hoạt động hiệu quả của hệ thống bảo hiểm tiền gửi nhằm giúp đỡ tổ chức tài chính đối phó được với nguy cơ phá sản, mất khả năng thanh toán hay các nguy cơ tổ thất tài chính khác mà tổ chức tài chính này không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền.
Như vậy có thể thấy mục tiêu xây dựng hệ thống BHTG Hàn Quốc hướng tới 2 tiêu chí cụ thể là bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng quốc gia, tạo cơ chế để tổ chức BHTG tham gia bình ổn thị trường tài chính.
Mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG
Mục tiêu đó là kim chỉ nam để thiết kế mô hình, chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG. Theo đó tổ chức BHTG Hàn Quốc được thiết kế theo mô hình Tổng công ty. Tổng công ty BHTG Hàn Quốc là một tổ chức pháp nhân đặc biệt không quy định vốn tối thiểu và hoạt động theo Luật bảo vệ người gửi tiền Hàn Quốc. Do đặc thù của nền kinh tế thị trường sẽ xuất hiện một loại hình tổ chức đặc biệt nhằm thực hiện chính sách công là bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và chịu sự điều chỉnh của Luật về bảo hiểm tiền gửi.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Luật BHTG Hàn Quốc quy định tổ chức BHTG có những chức năng để đảm bảo việc theo dõi đầy đủ vòng đời của tổ chức tham gia BHTG từ khi khai sinh đến đổ vỡ. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ triệt để người gửi tiền và đảm bảo nguyên tắc không dùng tiền ngân sách để xử lý đổ vỡ tín dụng. Theo đó việc lập quỹ BHTG đẩy đủ đảm bảo khả năng thanh toán, các tổ chức tham gia BHTG phải đóng phí định kỳ, nộp tiền đóng góp khi thành lập. Trong quá trình hoạt động, KDIC thực hiện chức năng giám sát rủi ro tổ chức tham gia BHTG bằng các hoạt động nghiệp vụ như yêu cầu nộp tài liệu về tổ chức tài chính, điều tra tổ chức tài chính một cách độc lập, yêu cầu thanh tra. Trong trường hợp xử lý đổ vỡ tổ chức BHTG Hàn Quốc có chức năng quyết định phương pháp điều chỉnh các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán, bán cho đơn vị tài chính thứ 3, hỗ trợ tài chính, thanh toán tiền bảo hiểm. Việc hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc chi phí tối thiểu trên cơ sở tính toán lợi ích giữa việc hỗ trợ để tổ chức tài chính phục hồi và cho phá sản. Giai đoạn sau khi xử lý phá sản KDIC được quyền thu hồi các khoản nợ, thực hiện điều tra trách nhiệm của các bên liên quan đến sự yếu kém của tổ chức tài chính đó.
Mô hình tổ chức KDIC được thiết kế theo mô hình giảm thiểu rủi ro. Hiện nay trên thế giới có 3 mô hình cơ bản là mô hình chi trả(chỉ thực hiện chức năng chi trả tiền gửi được bảo hiểm); mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng ( bên cạnh chức năng chi trả có thêm một số chức năng khác) và mô hình giảm thiểu rủi ro ( đầy đủ các chức năng như giám sát, kiểm tra, xử lý đổ vỡ). Mô hình giảm thiểu rủi ro là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn và trở thành xu hướng thế giới do tính hiệu quả mang lại cho nền kinh tế.
Cơ cấu tổ chức
Bộ máy KDIC bao gồm có một tổng giám đốc, một phó Tổng giám đốc, không có quá 4 giám đốc điều hành công ty, và có 1 kiểm toán nội bộ. Tổng giám đốc KDI do Tổng thống bổ nhệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ kinh tế tài chính; Phó Tổng giám đốc và đội ngũ giám đốc điều hành công ty do Bộ trưởng bộ kinh tế tài chính bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Tổng giám đốc KDIC; kiểm toán bộ bộ sẽ do Bộ trưởng Bộ kinh tế tài chính bổ nhiệm và miễn nhiệm.
Trong cấu trúc hệ thống tài chính hệ thống BHTG Hàn Quốc nằm trong mạng an toàn tài chính quốc gia.
Cơ chế Bảo hiểm tiền gửi
Đối tượng được bảo hiểm: bao gồm ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, tổ chức tài chính tổng hợp, ngân hàng tiết kiệm;
+ Loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức chi trả: là đồng nội tệ với hạn mức 50 triệu won (khoảng 39.714 USD) tương đương khoảng hơn 2 lần GDP;
+ Phí BHTG: Mức phí các tổ chức tham gia BHTG phải đóng góp là mức phí trên cơ sở rủi ro có nghĩa là nếu tổ chức tài chính nào có mức xếp hạng rủi ro cao sẽ phải đóng phí cao và ngược lại. Theo đó các tổ chức tài chính được bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho KDIC trong vòng 3 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Xem xét đặc tính theo từng hình thức tổ chức tài chính, hàng năm những tổ chức này sẽ chịu mức phí là 0,08-0,35 % trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Quỹ BHTG và quản lý Quỹ
Một trong những đặc điểm nổi bật của cơ chế thành lập nguồn Quỹ BHTG Hàn Quốc là phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc và chứng minh thực tế nguồn quỹ BHTG một quốc gia có mạnh hay yếu là phụ thuộc vào cơ chế lập quỹ và không hoàn toàn phụ thuộc vào việc ngân sách Nhà nước cấp cho tổ chức đó bao nhiêu tiền.
Để ứng phó linh hoạt với khủng hoảng, Luật bảo vệ người gửi tiền của Hàn Quốc quy định trong trường hợp cần thiết thực hiện các nhiệm vụ, KDIC có thể cho phép Quỹ BHTG và Quỹ bồi hoàn vay tiền từ Chính phủ, NHTW Hàn Quốc, các tổ chức tài chính được bảo hiểm hay các tổ chức khác theo quy định tại Sắc lệnh của Tổng thống, với sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ tài chính và kinh tế. Chính phủ có thể bảo lãnh việc cho việc thanh toán gốc và lãi vay cuả NHTW Hàn Quốc.
- Tổng công ty BHTG Hàn Quốc có thể phát hành trái phiếu Quỹ BHTG dựa trên tài khoản của Quỹ bảo hiểm tiền gửi theo Quyết định của Ủy ban nhằm tăng vốn cần thiết để bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
- Nếu KDIC muốn phát hành trái phiếu Quỹ BHTG phải quyết định khối lượng, kỳ hạn và kênh phát hành và việc trả nợ vào mối thời điểm phát hành và báo cáo với Bộ trưởng Bộ tài chính và kinh tế; Chính phủ có thể bảo lãnh cho việc thanh toán gốc và lãi của Trái phiếu Quỹ bảo hiểm tiền gửi…
- Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, KDIC đã ra lời kêu gọi người dân mua trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ để quốc hữu hóa một số ngân hàng, sau khi những ngân hàng đó phục hồi lại thực hiện tư nhân hóa. Với thông điệp đó là cách làm thể hiện lòng yêu nước. Người dân Hàn Quốc đã tham gia hưởng ứng tích cực và giúp nước này vượt qua và xử lý tốt khủng hoảng tài chính trên cơ sở không dùng tiền ngân sách.
Trường hợp có dư tiền mặt tại Quỹ BHTG hoay Quỹ bồi hoàn, KDIC có thể sử dụng số dự đó phù hợp với quy định của pháp luật theo đó có thể mua trái phiếu Chính phủ và cho vay khu vực công hay các loại chứng khoán khác do Ủy ban chỉ định; gửi tiền vào các tổ chức tài chính được bảo hiểm do Ủy ban chỉ định và các hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính và kinh tế quyết định. Với quy định như vậy là đảm bảo nguyên tắc tăng trưởng cho nguồn Quỹ BHTG. Vì thực chất nguồn Quỹ BHTG không phải hoàn toàn là tiền ngân sách Nhà nước mà là tiền do các thành viên đóng góp do vậy khi đầu tư lại cho các tổ chức tham gia BHTG vừa đảm bảo tăng trưởng nguồn quỹ vừa mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
Việc thiết kế mô hình tổ chức BHTG của Hàn Quốc được đánh giá là tiên tiến và hiệu quả. Tính hiệu quả được thể hiện không chỉ ở việc bảo vệ người gửi tiền mà còn tạo hành lang pháp lý vững mạnh để tổ chức này tham gia bình ổn thị trường tài chính, tạo niềm tin cho dân với chính sách tài chính của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo vệ người gửi tiền của Hàn Quốc.
- 18 nguyên tắc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
- Kdic.or.kr
- Brochure of Korea Deposit Insurance Corporation.
- Và một số tài liệu khác.