Thông lệ quốc tế về nâng cao nhận thức công chúng
Chính sách BHTG là hệ thống các quy định liên quan đến BHTG, theo đó tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ BHTG phải tuân thủ. Chính sách BHTG tạo lập môi trường pháp lý cho tổ chức BHTG ra đời, hoạt động và được xem là công cụ quan trọng của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, củng cố niềm tin công chúng và duy trì an toàn mạng tài chính quốc gia. Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), mục tiêu cuối cùng nâng cao nhận thức công chúng của tổ chức BHTG là nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống BHTG. Trong báo cáo hướng dẫn phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, Diễn đàn ổn định tài chính (FSF) nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức công chúng về những lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG là chìa khóa quan trọng cho hệ thống phát triển hiệu quả. Một hệ thống BHTG hiệu quả bao gồm rất nhiều yếu tố như nhiệm vụ và quyền hạn phù hợp, hạn mức bảo hiểm thích hợp, nguồn lực tài chính đầy đủ, biện pháp xử lý và chi trả BHTG hiệu quả, có tính minh bạch, trách nhiệm và đáng tin cậy. Tuy nhiên, một hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả sẽ không đạt được mục tiêu nếu các bên liên quan không hiểu rõ về vai trò, chính sách BHTG.
Như vậy, hoạt động nâng cao nhận thức công chúng thành công phải truyền đạt đúng thông điệp; hướng đến đúng đối tượng mục tiêu; thay đổi nhận thức và hành vi; tạo dựng hình ảnh, thương hiệu của tổ chức với vai trò là tổ chức bảo vệ người gửi tiền nhằm tạo dựng niềm tin công chúng đối với hệ thống BHTG và góp phần vào sự ổn định tài chính.
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và IADI đã hợp tác xây dựng bộ tài liệu 18 nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, trong đó nâng cao nhận thức công chúng nằm trong Nguyên tắc 12: “Để một hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả, công chúng nhất thiết phải biết đến lợi ích cũng như hạn chế của hệ thống BHTG”. Chính vì vậy, để người dân hiểu về chính sách BHTG thì vấn đề nâng cao nhận thức công chúng đã được các tổ chức BHTG đẩy mạnh, xây dựng chiến lược, chiến dịch truyền thông cho từng giai đoạn, từng nhóm công chúng, từng kịch bản và từng thông điệp cụ thể. Nhằm thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG, các kênh truyền thông là công cụ quan trọng để truyền tải thông điệp của tổ chức, góp phần nâng cao niềm tin công chúng. Truyền thông hiệu quả sẽ mang lại lợi ích lớn cho người gửi tiền, tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng.
Thực tiễn của một số quốc gia về tuyên truyền chính sách BHTG
Chính sách BHTG đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của tổ chức BHTG. Các tổ chức BHTG trên thế giới đều nhận thức sự cần thiết ban hành chính sách BHTG gắn liền với việc củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần củng cố hoạt động ngân hàng, phòng ngừa và hạn chế các cuộc khủng hoảng tài chính trong nền kinh tế. Hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG luôn được các tổ chức BHTG đẩy mạnh thường xuyên để duy trì, củng cố và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cũng như vai trò của chính sách BHTG.
Mỹ: Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) được thành lập vào năm 1933, là hệ thống BHTG ra đời đầu tiên trên thế giới. FDIC rất coi trọng công tác truyền thông và xác định hoạt động nâng cao nhận thức công chúng có vai trò quan trọng. Hoạt động truyền thông của FDIC được tổ chức rộng khắp, thiết thực và khoa học giúp người gửi tiền hiểu biết về vai trò, chức năng, chính sách BHTG thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng qua ấn phẩm, vật phẩm, báo chí, truyền hình, tờ rơi, quảng cáo, thông tin tại ngân hàng, trung tâm trả lời điện thoại, chiến dịch tăng cường nhận thức công chúng, trợ giúp người tiêu dùng trực tuyến, tin tức người tiêu dùng, các cuộc hội thảo chuyên đề, video và các cuộc khảo sát thăm dò. Website FDIC là kênh thông tin hữu ích đối với công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng, qua đó giúp họ nắm được thông tin đầy đủ về hoạt động của ngân hàng, vai trò, chính sách BHTG với thông điệp “The more you know, the safer for your money - Bạn càng biết nhiều về BHTG, tiền gửi của bạn càng an toàn”. Đặc biệt, FDIC xây dựng chương trình giáo dục tài chính toàn diện “Money Smart” để giúp các cá nhân chưa tiếp cận với dịch vụ tài chính phát triển kỹ năng tài chính và các mối quan hệ ngân hàng tích cực. Chương trình Money Smart đã có hơn 2,75 triệu người tham gia khóa học kể từ năm 2001. Nghiên cứu cho thấy rằng, người tiêu dùng có những thay đổi tích cực trong quản lý tài chính sau khi tham gia đào tạo, từ đó giúp cá nhân, gia đình và toàn cộng đồng quản lý tài chính tốt hơn. Ngoài ra, FDIC cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên trong và ngoài hệ thống nhằm nâng cao kiến thức về BHTG.
Philippines: Trong những năm qua, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) rất chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG. PDIC triển khai các chiến dịch nhận thức công chúng vì xác định đây là hoạt động rất cần thiết. Thông tin chiến dịch đều được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong suốt Tuần lễ Ngân hàng hàng năm vào tháng Giêng, Tuần lễ nhận thức tiết kiệm vào tháng 6 - 7, Tuần lễ nhận thức tín dụng quốc gia vào tháng 4 và lễ kỷ niệm thành lập Tổng công ty BHTG Philippines vào tháng 6. Đặc biệt, Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền (DPAW) được phát động từ ngày 16-22/6 hàng năm theo nội dung Tuyên bố của Tổng thống Philippines ký ngày 4/4/2003 nhằm tăng cường hơn nữa niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, nâng cao sự ổn định hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Năm 2013 là năm thứ 11 PDIC phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện lễ phát động Tuần lễ DPAW với mong muốn người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung hiểu nhiều hơn về chính sách BHTG, chức năng nhiệm vụ của PDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính. Tất cả các ngân hàng thành viên được khuyến khích treo biểu ngữ của Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền bên ngoài trụ sở và hiển thị trong máy ATM trong suốt Tuần lễ DPAW. PDIC còn thực hiện các chương trình tập trung vào các nhóm mục tiêu cụ thể như tổ chức cuộc thi vẽ tại chỗ cho các học sinh trung học (năm 1995) giúp họ thấm nhuần ý thức tiết kiệm và hiểu biết về BHTG. PDIC cũng cho triển khai các chương trình quốc gia trọng điểm giáo dục tài chính tổng thể nhằm nâng cao nhận thức công chúng về lĩnh vực, sản phẩm và dịch vụ tài chính cũng như khả năng tiêu dùng tài chính để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.
Malaysia: Trong những năm qua, Tổng công ty BHTG Malaysia (MDIC) đạt được nhiều thành công trong xây dựng chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tổ chức và chính sách BHTG. Chiến dịch truyền thông này dựa trên những nghiên cứu về đặc điểm dân cư, tình hình kinh tế và hoạt động tài chính ngân hàng của Malaysia trong khu vực và trên thế giới phù hợp với mục tiêu của tổ chức – bảo vệ người gửi tiền, nâng cao nhận thức công chúng. Để công tác truyền thông hiệu quả, MDIC đã phân loại đối tượng công chúng để từ đó xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp và thực hiện trên nhiều kênh truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, những hội thảo quốc tế, triển lãm đường phố, tuần lễ nâng cao nhận thức công chúng, tổng đài điện thoại miễn phí để giải đáp thắc mắc của công chúng cũng như website bằng 4 ngôn ngữ chính Malaysia, Anh, Trung Quốc và Tamil, báo cáo thường niên, kế hoạch hoạt động của tổ chức. Đặc biệt, MDIC thực hiện chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức (PIDM Money Smart) tại các trường phổ thông từ năm 2010 nhằm nâng cao nhận thức về chính sách BHTG cho học sinh, giáo viên, phụ huynh…Mục tiêu của PIDM Money Smart là nâng cao nhận thức của công chúng trong lĩnh vực tài chính, khuyến khích học sinh tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên toàn quốc tìm hiểu về BHTG. Chương trình được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản có nội dung phong phú về quản lý tài chính cá nhân, thói quen tiêu dùng, hành vi tiêu dùng và tư duy đối với các vấn đề tài chính thiết thực cho cuộc sống hàng ngày với hình thức đa dạng, lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa, thi tìm hiểu kiến thức tài chính, tổ chức các buổi nói chuyện để cung cấp kiến thức về tài chính và BHTG. Năm 2012, chỉ số phản ánh mức độ hiểu biết nói chung của công chúng về BHTG đã tăng lên mức 42% từ mức 27% năm 2011. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường niềm tin của người dân đối với hệ thống BHTG và hệ thống tài chính ngân hàng tại Malaysia.
Đài Loan: Tổng công ty BHTG Đài Loan (CDIC-Taiwan) thực hiện hoạt động truyền thông về chính sách BHTG nhằm mục đích nâng cao mức độ nhận thức công chúng về BHTG, tăng cường việc thực thi mục tiêu chính sách công, các chức năng của BHTG, góp phần đảm bảo hệ thống BHTG hoạt động vững mạnh và ổn định hệ thống tài chính. CDIC có các hình thức tuyên truyền khác nhau cho các đối tượng khác nhau như: Đối với công chúng, CDIC tuyên truyền về vai trò, chính sách BHTG trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, rạp chiếu phim, website, đường dây điện thoại miễn phí, đưa kiến thức về BHTG vào chương trình học, chiến dịch quảng bá ở ký túc xá, các cuộc thi làm phim về BHTG, vv. Đối với tổ chức tham gia BHTG, CDIC phát hành thư thông báo, tổ chức các cuộc họp, hội thảo trong và ngoài nước. Đối với cơ quan truyền thông, CDIC chủ động phát hành thông cáo báo chí thường xuyên và trả lời phỏng vấn báo chí. CDIC cho rằng cơ quan truyền thông càng hiểu về BHTG, việc tuyên truyền sẽ thành công và hiệu quả. CDIC cũng phối hợp với các thành viên mạng an toàn tài chính để việc tuyên truyền đảm bảo nhất quán, đặc biệt là thông tin gửi đến công chúng – giúp tối ưu hóa hiệu quả truyền thông.
Singapore: Tổng công ty BHTG Singapore (SDIC) thực hiện nhiều hoạt động truyền thông rất hiệu quả trên các phương tiện truyền thông như website BHTG, ấn phẩm, thông báo, quảng cáo, hội nghị, hướng dẫn người tiêu dùng, trung tâm trả lời điện thoại, diễn đàn của các tổ chức thành viên, diễn đàn cho cộng đồng và trên các phương tiện giao thông. SDIC gửi đến người dân thông điệp “Tổ chức BHTG luôn sẵn lòng bảo vệ người gửi tiền”. Thông qua hoạt động truyền thông của SDIC, người dân Singapore hiểu được vai trò của chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Như vậy, hình thức truyền thông chính sách BHTG đã được các tổ chức BHTG thực hiện theo nhiều cách: thông qua báo chí, truyền hình, ấn phẩm, tờ rơi, đường dây điện thoại miễn phí, website… Một số tổ chức BHTG còn tuyên truyền chính sách BHTG trên cả mạng xã hội như facebook, twitter account, điện thoại thông minh như Iphone, Ipad (Quỹ Bảo hiểm tiền gửi quốc gia Hungary – NDIF), hay trên YouTube (Tổng công ty BHTG Canada)…
Đánh giá chung về hoạt động truyền thông của các tổ chức BHTG
Như đã trình bày ở trên, nguyên tắc 12 nhấn mạnh: “Để một hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả, công chúng nhất thiết phải biết đến lợi ích cũng như hạn chế của hệ thống BHTG”. Nhiều tổ chức BHTG trên thế giới đều hướng đến mục tiêu xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, giúp người dân hiểu được vai trò, chính sách BHTG.
Tuyên truyền gắn với mục tiêu chính sách công: Tổ chức BHTG đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức công chúng định kỳ, thường xuyên. Hoạt động nâng cao nhận thức công chúng có sự nhất quán với những mục tiêu của chính sách công và nhiệm vụ của tổ chức trong từng thời kỳ nhằm giúp công chúng hiểu rõ vai trò của chính sách BHTG và có niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.
Hình thức truyền thông đa dạng: Khi thiết kế một chương trình nâng cao nhận thức công chúng, tổ chức BHTG xác định rõ các nhóm đối tượng cần hướng đến (công chúng nói chung, người gửi tiền, các ngân hàng thành viên…). Việc sử dụng nhiều công cụ và kênh truyền thông cho nhiều đối tượng khác nhau sẽ giúp đảm bảo thông điệp truyền thông đến được đúng các đối tượng truyền thông. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên cơ sở xác định các kênh truyền thông phù hợp với từng đối tượng công chúng như tuyên truyền qua website, báo chí, phát thanh, truyền hình, ấn phẩm nội bộ, hội thảo chuyên đề, trung tâm trả lời điện thoại, chương trình giáo dục tài chính, đào tạo về BHTG… Tổ chức BHTG thường xuyên thực hiện đánh giá độc lập về mức độ nhận thức của công chúng về BHTG.
Xây dựng kinh phí truyền thông phù hợp: Tổ chức BHTG xây dựng kế hoạch ngân sách phù hợp cho hoạt động nâng cao nhận thức công chúng nhằm thực hiện truyền thông hiệu quả.
Phối hợp với các bên liên quan trong việc truyền thông: Tổ chức BHTG đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức công chúng về BHTG. Các tổ chức BHTG đã phối hợp rất hiệu quả với tổ chức thành viên cũng như các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính nhằm đảm bảo tính nhất quán trong cung cấp thông tin và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Nâng cao nhận thức công chúng nhằm đạt mục tiêu để công chúng hiểu về chính sách BHTG, trên cơ sở đó tác động đến nhận thức và hành động của người gửi tiền, giúp người gửi tiền bình tĩnh và đưa ra những quyết định phù hợp, góp phần tránh được đổ vỡ dây truyền mà nhiều khi nguyên nhân bắt nguồn từ việc niềm tin công chúng bị suy giảm. Nâng cao nhận thức công chúng (Nguyên tắc số 12) là một trong những nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, là hoạt động quan trọng của tất cả các tổ chức BHTG từ khi thành lập. Để tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả, công chúng phải có những thông tin cần thiết về BHTG một cách thường xuyên. Trí nhớ của con người là ngắn nên hoạt động truyền thông về chính sách BHTG phải diễn ra định kỳ, liên tục, toàn diện qua nhiều công cụ, cách thức để tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau. Các tổ chức BHTG cũng thực hiện chương trình đánh giá hiệu quả các chương trình truyền thống để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động truyền thông.
Một số khuyến nghị đổi mới hoạt động truyền thông BHTG tại Việt Nam
Đối với tổ chức BHTG, nâng cao niềm tin công chúng về chính sách BHTG là điều kiện quan trọng giúp hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động ổn định. Sau gần 15 năm hoạt động, BHTGVN đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông chính sách BHTG, từ đó giúp công chúng tăng cường kiến thức về BHTG, đáp ứng nhu cầu cũng như xây dựng niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa biết đến chính sách BHTG, những lợi ích mà chính sách này mang lại và chưa biết đến tổ chức BHTG.
Luật BHTG, Điều 13 quy định “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi” khoản 14 có đoạn “Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi…”. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đòi hỏi BHTGVN cần tăng cường, đổi mới hoạt động truyền thông dựa trên nguyên tắc chủ đạo: Xây dựng các chương trình truyền thông BHTG phải hướng tới mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và góp phần nâng cao nhận thức công chúng.
Để thực hiện mục tiêu hoạt động của BHTGVN, thông qua hoạt động truyền thông, BHTGVN cần học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức BHTG quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam gắn kết với tính khả thi, theo đó các giải pháp được đề xuất:
- Về nguyên tắc, hoạt động truyền thông cần gắn với tính đặc thù của BHTG, chiến lược phát triển của BHTGVN; tạo lộ trình dài hạn, tính chuyên nghiệp cho hoạt động truyền thông, góp phần thực hiện hiện thành công mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của tổ chức.
- Xuất phát từ đặc thù của hoạt động BHTG mang tính chính sách công cao, do đó hoạt động truyền thông được xem là một trong những nghiệp vụ quan trọng của BHTGVN cùng với các nghiệp vụ khác như giám sát, kiểm tra, chi trả, v.v. Do đó, cần bám sát mục tiêu hoạt động của tổ chức và thể hiện tính chiến lược, hiệu quả. Chính vì vậy, mục tiêu truyền thông của BHTGVN cần được xây dựng thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tổ chức.
- Hoạt động truyền thông phải là cầu nối quan trọng để truyền tải thông điệp của Đảng và Nhà nước về BHTG tới cộng đồng; đồng thời quảng bá hình ảnh, hoạt động của BHTGVN với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và là một bộ phận quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng.
- Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật chung của hoạt động truyền thông: Theo đó, cần xác định nội dung trọng tâm của hoạt động truyền thông dựa vào 2 nhiệm vụ chính của BHTGVN, đó là vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống. Trên cơ sở nội dung như vậy, cần lựa chọn phương thức truyền tải thông điệp hiệu quả. Đồng thời, cần có sự quy hoạch nội dung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đảm bảo nguyên tắc tránh chồng chéo và đảm bảo tính logic của từng vấn đề.
- Xây dựng và thống nhất quản lý bộ hình ảnh của BHTGVN: Đây cần được xem là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược truyền thông của BHTGVN. Theo đó, cần đổi mới phương thức thực hiện quảng bá hình ảnh BHTGVN cũng như quản lý bộ hình ảnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Bộ hình ảnh của BHTGVN gồm: Logo, slogan, hình ảnh người đại diện, các ấn phẩm, vật phẩm, tài liệu, biển báo... và văn hoá tổ chức của BHTGVN. Đồng thời, cần phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông; xây dựng thư viện, phòng truyền thống nhằm lưu trữ tư liệu, hình ảnh của tổ chức, lãnh đạo BHTGVN qua các thời kỳ.
- Văn hóa tổ chức: Cảm nhận của công chúng đối với BHTGVN không chỉ là hình ảnh về logo, slogan,... mà còn bao gồm cả văn hoá công sở của BHTGVN. Văn hoá công sở gồm các nội dung liên quan đến: mối quan hệ trong thực hiện công việc; ý thức chấp hành các nội quy, quy định của BHTGVN cũng như các quy định pháp luật khác; tác phong làm việc và tiếp xúc với các đối tượng khách hàng. Hoạt động truyền thông cần góp phần khuyến khích, thúc đẩy cán bộ BHTGVN ngoài việc thực hiện tốt văn hoá tổ chức, còn cần có ý thức thúc đẩy, xây dựng văn hoá tổ chức, nâng cao giá trị của BHTGVN.
- Xây dựng quy trình xử lý tin đồn và khủng hoảng:
+ Khi có tin đồn thất thiệt xảy ra, có thể gây hoang mang cho người gửi tiền và gây xáo trộn trên thị trường tài chính, cần phải có “tiếng nói” kịp thời của tổ chức với cách thức tiến hành nhanh, kịp thời, minh bạch.
+ Với vai trò là cơ quan giám sát rủi ro, công cụ truyền thông giúp BHTGVN xử lý các khủng hoảng ở nhiều mức độ khác nhau. Việc phân loại khủng hoảng và tìm nguyên nhân là yếu tố quan trọng để xây dựng “kịch bản” xử lý phù hợp. Cần tập trung xử lý các khủng hoảng có khả năng gây mất an toàn hệ thống ngân hàng, mất khả năng chi trả của các tổ chức tham gia BHTG.
- Chú trọng phát triển truyền thông nội bộ, cung cấp thông tin nội bộ để cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống hiểu biết quy định về BHTG, thông điệp của lãnh đạo, quyền lợi, trách nhiệm của bản thân và đơn vị, tạo diễn đàn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ qua internet và intranet.
- Tổ chức khảo sát và đào tạo công chúng:
+ Một trong các hình thức phù hợp nhất để nghiên cứu nhóm công chúng là tổ chức các cuộc khảo sát đối với các nhóm công chúng. Trong quá trình thiết kế bảng câu hỏi khảo sát, ngoài việc thu nhận thông tin từ đối tượng, đây cũng là một hình thức nâng cao nhận thức của công chúng thông qua các thông tin BHTGVN chủ động cung cấp.
+ Đào tạo công chúng là một trong những chức năng quan trọng trong hoạt động truyền thông của BHTGVN nhằm nâng cao nhận thức các nhóm công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của BHTGVN. Hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên với những nội dung được thiết kế phù hợp.
- Xây dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan truyền thông.
- Bố trí kinh phí phù hợp cho hoạt động truyền thông: Truyền thông là hoạt động nghiệp vụ, do đó, để phát huy hiệu quả cần có kế hoạch kinh phí cho hoạt động này theo chiến lược dài hạn, tách bạch kinh phí lễ tân khánh tiết và kinh phí truyền thông.
Tài liệu tham khảo:
- Website BHTG Mỹ, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan v.v;
- Kế hoạch triển khai hoạt động truyền thông của BHTGVN giai đoạn 2010-2015;
- Các báo cáo hoạt động thông tin tuyên truyền của BHTGVN.