Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để thu hút vốn đầu tư, thay đổi công nghệ, phương thức quản trị, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó không thể không kể đến khu vực tài chính, ngân hàng. Do đó, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về giải pháp xử lý ngân hàng có vấn đề là một trong những việc làm cần thiết để có thể đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng nói riêng và khu vực tài chính, nền kinh tế nói chung.
Xử lý ngân hàng có vấn đề ở Mỹ
Hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ cuối năm 2007 lâm vào cuộc khủng hoảng mới chưa từng có, gây sóng gió cho nền kinh tế thế giới và để lại những tác động nghiêm trọng. Chỉ tính riêng các ngân hàng có vấn đề được liệt vào danh sách của FDIC tăng từ 76 ngân hàng năm 2007 lên đến mức cao nhất là 884 ngân hàng vào năm 2010 rồi giảm dần xuống 291 ngân hàng năm 2014. Tuy vậy, trong 10 tháng đầu năm 2015, số lượng ngân hàng có vấn đề vẫn ở mức cao là 253 ngân hàng, gấp hơn 3 lần con số của năm 2007.
Số lượng NH có vấn đề và đổ vỡ tại Mỹ 2007 -2015
Nguồn: FDIC, tổng hợp của tác giả
Mặc dù số lượng ngân hàng có vấn đề và đổ vỡ trong giai đoạn 2007-2015 không hề nhỏ nhưng điểm khác biệt giữa cuộc khủng hoảng này với cuộc đại suy thoái năm 1929-1933 là không xảy ra hiện tượng đột biến rút tiền gửi và hoảng loạn ngân hàng. Có được kết quả này do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy vai trò quan trọng của các giải pháp được Mỹ lựa chọn và thực hiện một cách chuyên nghiệp, giúp ngăn chặn hiện tượng đổ xô rút tiền của dân chúng, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Các biện pháp được thực hiện đồng bộ với sự phối hợp của các cơ quan liên quan như: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Bộ tài chính, FIDC, các cơ quan khác và cả các tổ chức tài chính tín dụng.
Nguồn: CIEM, tổng hợp của tác giả
Trong việc xử lý các ngân hàng có vấn đề tại Mỹ, trước khi đạo luật Dodd – Frank có hiệu lực vào tháng 7 năm 2010, FDIC tham gia xử lí các tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn như mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ đổ vỡ bằng 4 cách: Giao dịch mua và nhận nợ (P&A); Chi trả tiền gửi được bảo hiểm (Pay-off); Giao dịch hỗ trợ ngân hàng mở (OBA), Ngân hàng bắc cầu (BB).
Giao dịch mua và nhận nợ (P&A): Là phương pháp xử lí ngân hàng và tổ chức tiết kiệm đổ vỡ phổ biến nhất được FDIC thực hiện.Theo giải pháp này, các tổ chức hoạt động tốt hoặc những nhà đầu tư tư nhân sẽ mua một phần hoặc tất cả tài sản của ngân hàng đổ vỡ và nhận một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ của ngân hàng đó. Quy trình này được thực hiện bởi các cơ quan quản lí và thường kèm theo việc rút giấy phép kinh doanh của ngân hàng, với khả năng thay đổi cổ đông và bộ máy quản lí cũ. Đầu năm 2010, có 2 ví dụ về giao dịch P&A là ngân hàng Park Avenue và Old Southern Bank. FDIC đã đồng ý dàn xếp bán toàn bộ tiền gửi và phần lớn tài sản của ngân hàng Park Avenue cho ngân hàng Valley National Bank. Ngân hàng Valley National Bank đồng ý với sự dàn xếp này và FDIC sẽ chia sẻ thua lỗ về số tài sản được bán cho ngân hàng Valley National Bank. Có nhiều loại giao dịch khác nhau của P&A như: P&A khoản vay, P&A giản ước, P&A quyền chọn, P&A nhóm tài sản, P&A toàn bộ ngân hàng và hai loại P&A mang tính chuyên môn hoá hơn là P&A chia sẻ tổn thất và BB.
Chi trả tiền gửi (Pay-off): Chi trả tiền gửi được thực hiện khi FDIC không nhận được một giá thầu nào cho giao dịch P&A đáp ứng nguyên tắc chi phí thấp nhất. Có 2 hình thức chi trả tiền gửi: chi trả trực tiếp và chuyển khoản tiền gửi.
Giao dịch hỗ trợ ngân hàng mở (OBA): FDIC có thể hỗ trợ tài chính để ngăn ngừa một ngân hàng có nguy cơ bị đóng cửa thông qua các khoản cho vay trực tiếp, hỗ trợ sáp nhập, hoặc mua tài sản của ngân hàng đó. Từ năm 1971 tới 1992, FDIC đã thực hiện thành công một số giao dịch hỗ trợ OBA cho các ngân hàng, đầu tiên đó là Ngân hàng First Penn vào năm 1980 với hình thức cho vay trực tiếp. Giai đoạn 1987-1988 là giai đoạn có nhiều giao dịch OBA được thực hiện nhất, chiếm tới 75% tổng số giao dịch OBA [12]. Tuy nhiên, hoạt động này phải đối mặt với một số vấn đề về chính sách, chi phí, những trở ngại về thủ tục hành chính khi so sánh với các hình thức khác. Khi đạo luật Dodd – Frank có hiệu lực vào tháng 7 năm 2010 thì OBA chính thức không được sử dụng nữa.
Giải pháp ngân hàng bắc cầu (BB): Giải pháp này ít được sử dụng bởi quá trình xử lý thường bị kéo dài, thúc đẩy rủi ro đạo đức, gia tăng chi phí của FDIC trong việc giải quyết. Tuy nhiên, với các ngân hàng có lượng tài sản khổng lồ, liên quan tới hàng ngàn dân chúng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ mất ổn định thì ngân hàng bắc cầu lại là một sự lựa chọn tối ưu. Khi một ngân hàng mất khả năng thanh toán, không thể tiếp tục hoạt động; các nhà lãnh đạo ngành tài chính quyết định thực hiện giải cứu nhưng chưa có một tổ chức tài chính lành mạnh nào đồng ý tiếp nhận thì FDIC sẽ sử dụng giải pháp ngân hàng bắc cầu.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ vừa qua, FDIC đã sử dụng BB để giải quyết sự sụp đổ của một “ông lớn” trong ngành tài chính ngân hàng, đó là ngân hàng Indy Mac. Năm 2008, IndyMac đổ vỡ một cách nhanh chóng và FDIC được chọn là cơ quan tiếp nhận. IndyMac Federal Bank, một ngân hàng bắc cầu do FDIC thành lập thuộc sự quản lý của FDIC, đã tiếp nhận hoạt động của Indy Mac. Trước khi lựa chọn việc thành lập ngân hàng bắc cầu để tiếp quản Indy Mac, FDIC đã tính toán chi phí giữa việc tiến hành chi trả hoặc phân bổ tổn thất (tiến hành các biện pháp tiếp quản). Ngân hàng bắc cầu thường hoạt động trong khoảng 3 năm như ở Mỹ và Nhật Bản, có thể kéo dài thêm 1 năm như trường hợp của Hàn Quốc và BB sẽ được giải tán khi kết thúc thời gian hoạt động, sáp nhập hoặc chuyển giao hoặc tiếp quản hoạt động [2, tr.126].
Như trên đã phân tích, BB chỉ nên áp dụng đối với những ngân hàng lớn mà sự sụp đổ của họ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính ngân hàng, phải hội đủ các yêu cầu về cơ sở pháp lí, năng lực tài chính và năng lực hoạt động.
Công cụ BHTG phát huy tác dụng ở Hàn Quốc
Hệ thống tài chính ngân hàng Hàn Quốc trong hai thập kỷ gần đây cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của hai cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn là khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây xuất phát từ khủng hoảng hệ thống tài chính cuả Mỹ.
Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cải tổ sâu sắc hệ thống tài chính, ngân hàng nước này thông qua hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tiến hành quốc hữu hoá vài ngân hàng lớn nhất, giải thể hoặc buộc sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn. Các giải pháp đã triển khai được khái quát ở hình dưới
Nguồn: CIEM, tổng hợp của tác giả
Giống như tại Mỹ, BHTG Hàn Quốc (KDIC) cũng tham gia tích cực và đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý các ngân hàng có vấn đề và là mắt xích không thể thiếu trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Luật bảo vệ người gửi tiền được ban hành năm 1995, là cơ sở cho việc thành lập KDIC, quy định rõ mục tiêu hoạt động, chức năng chính của công ty này: quản lý quỹ bảo hiểm tiền gửi, giám sát rủi ro, xử lý đổ vỡ, thu hồi nợ và điều tra truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức gây ra đổ vỡ tại các tổ chức tài chính. Với cơ sở pháp lý đầy đủ và ổn định, KDIC đã chủ động phối hợp và có vị thế tương đối độc lập so với các cơ quan khác trong mạng lưới an toàn tài chính để xử lý các ngân hàng có vấn đề, đổ vỡ ngân hàng và khủng hoảng tài chính một cách tích cực, hiệu quả [4].
KDIC tham gia xử lí các tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn như mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ đổ vỡthông qua các giải pháp: chi trả tiền gửi, P&A và hỗ trợ tài chính.
Chi trả tiền gửi: Tính riêng trong 2 năm 1997 và 1998, KDIC đã chi trả lên tới 14.605,4 tỷ won (tương đương 12,55 triệu USD), góp phần quan trọng đảm bảo niềm tin của dân chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng của Hàn Quốc. Kể từ năm 2008, KDIC đã áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cho phép người gửi tiền của các tổ chức tài chính có vấn đề nộp đơn và nhận lại tiền gửi trực tiếp từ hệ thống Website của KDIC. Theo tính toán của KDIC, trong 1 giờ đồng hồ hệ thống này có thể xử lý được đến 100.000 yêu cầu thanh toán tiền. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, KDIC không phải tiến hành một đợt chi trả tiền gửi nào.
Giao dịch P&A: P&A cũng được sử dụng rộng rãi và phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt từ năm 2007 khi KDIC có nhận thêm thẩm quyền xử lý các tổ chức tài chính có vấn đề từ Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS). KDIC tuân thủ nguyên tắc chi phí thấp nhất khi thực hiện P&A và có thể bao gồm hỗ trợ tài chính từ KDIC.Ưu điểm của P&A là có thể chuyển phần lớn tài sản rủi ro thấp và tiền gửi được bảo hiểm sang cho bên tiếp nhận, trong khi đó các tài sản được xếp loại xấu hoặc liên quan đến gian lận thường được tổ chức thanh lý giữ lại, theo đó bảo đảm quy trình xử lý trở nên linh hoạt hơn, không làm đình trệ hoạt động liên quan [16].
Hỗ trợ tài chính: KDIC có đóng góp hiệu quả và quan trọng trong quá trình lành mạnh hoá hệ thống tài chính ngân hàng Hàn Quốc trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. KDIC đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho 517 tổ chức tài chính có vấn đề với số tiền lên tới 110,9 nghìn tỷ won (tương đương 95,26 triệu USD), thực hiện nguyên tắc chi phí tối thiểu, chia sẻ thiệt hại nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức.Qua đó, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp tại các tổ chức tài chính, hỗ trợ mạnh mẽ các ngân hàng có vấn đề và giúp hệ thống tài chính ngân hàng khôi phục, hoạt động ổn định, hiệu quả hơn. [17].
Có thể thấy, các giải pháp được Mỹ và Hàn Quốc thực hiện để giải quyết ngân hàng có vấn đề phần lớn đã được áp dụng ở Việt Nam với các mức độ khác nhau. Hy vọng rằng, kinh nghiệm của các nước về xử lý ngân hàng có vấn đề sẽ là tham khảo hữu ích đối với Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng tài chính.