Tạo tiền lệ tốt cho hoạt động XLNX
Việc VAMC thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) của Công ty Sài Gòn One Tower tại TP. Hồ Chí Minh nhằm xử lý khoản nợ cả gốc, lãi lên đến 7.000 tỷ đồng đang thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Mới đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đưa ra báo cáo đánh giá về động thái trên của VAMC. “Tính hiệu quả của Nghị quyết 42 đã phát huy ngay trong việc VAMC lần đầu hoàn thành thu giữ TSBĐ tại Saigon One Tower chỉ 1 tuần sau khi có hiệu lực. Khả năng thu giữ TSBĐ là một bước tiếp theo cực kỳ quan trọng trong XLNX”, Moody’s nhận định. Không những vậy, tốc độ thu hồi TSBĐ được đẩy nhanh nhờ Nghị quyết 42 còn là một bước đi tích cực đối với tín nhiệm của các NH Việt Nam, vốn đang phải chật vật XLNX sau một thập kỷ tín dụng tăng trưởng nhanh, cho vay dễ dãi”, Moody’s bình luận.
Một chuyên gia cũng đưa ra nhận định: Nghị quyết 42 sẽ dỡ bỏ các trở ngại pháp lý trước kia giúp cải thiện khả năng thu hồi TSBĐ cũng như XLNX của VAMC và các NH. Đáng lẽ chúng ta phải làm việc này sớm hơn để các tài sản đó được chuyển hóa thành tiền tươi cho các TCTD tiếp tục đầu tư cho nền kinh tế. Nhưng thà muộn còn hơn không.Người trong cuộc, Chủ tịch HĐTV VAMC ông Nguyễn Tiến Đông khi chia sẻ với phóng viên về câu chuyện XLNX không ít lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Nghị quyết 42 đã tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc, tạo điều kiện rất thuận lợi cho VAMC XLNX. Đó cũng là lý do để VAMC lựa chọn Saigon One Tower là khoản nợ đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 42, bởi đây là khoản nợ lớn nhất mà TCTD đã bán cho VAMC, cũng là khoản nợ phức tạp nhất. Việc VAMC thu giữ thành công tài sản có giá trị lớn, phức tạp như vậy sẽ tạo tiền lệ tốt không chỉ đối với VAMC mà còn đối với các TCTD khi triển khai XLNX, nhất là tạo ý thức cho các bên, đặc biệt là từ phía khách hàng trong việc phối hợp xử lý TSBĐ.
Sự quyết liệt của VAMC ngay khi NQ 42 có hiệu lực cũng có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những con nợ đang chây ì. Trước đây, cũng bởi pháp luật bảo vệ người đi vay nên mới có tình trạng khách hàng nhà cao cửa rộng, đi xe sang mà nợ thì nhất định không chịu trả. Giờ đây tình hình đã khác, nghĩa vụ trả nợ, quyền thu giữ và sở hữu TSBĐ đã trở nên rõ ràng hơn. Chắc chắn, hoạt động thu hồi nợ sẽ diễn ra mạnh hơn. Và những người vay tiền phải thận trọng, có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình.
Đẩy mạnh mua đứt bán đoạn nợ xấu
Tuy nhiên, Moody’s cũng lưu ý rằng, hiệu quả thực sự đối với chất lượng tài sản và lợi nhuận của các NH chỉ có thể cải thiện thực sự khi VAMC bán được các tài sản thu giữ. Về vấn đề này, ông Đông cho biết, VAMC cũng đang khẩn trương thành lập Hội đồng xử lý các tài sản đã thu giữ để phân tích đưa ra các phương án giải quyết. Có hai phương án cơ quan này tính đến đối với tài sản thu giữ đó là bán tài sản và bán khoản nợ. Cả hai phương án trên, VAMC đều thuê tổ chức định giá.
“Trong tháng 9, VAMC dự kiến thực hiện định giá xong Saigon One Tower. Sau đó, sẽ tổ chức đấu giá công khai minh bạch. Quan điểm của VAMC làm đến đâu chắc đến đó, vì các tài sản có giá trị lớn không thể làm qua loa được”, ông Đông nhấn mạnh và cho biết VAMC đang vận dụng chính sách mới từ Nghị quyết 42 đẩy mạnh việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Vừa qua, cơ quan này đã tích cực đàm phán với các TCTD để mua các khoản nợ theo giá trị thị trường đã được NHNN phê duyệt. Đến nay, VAMC đã hoàn thành việc mua nợ đối với CTCP Địa ốc ở phía Nam và thực hiện thuê đơn vị thẩm định giá độc lập đối với ba khoản nợ của BIDV, VietinBank và HDBank...
Trong tháng 9/2017, VAMC dự kiến sẽ hoàn thành mua nợ theo giá trị thị trường đối với 9 khoản nợ của 9 khách hàng tại 5 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 1.524 tỷ đồng, tổng giá trị TSBĐ tại thời điểm mua nợ bằng TPĐB là 2.813 tỷ đồng. Dự kiến, tổng giá mua nợ theo giá trị thị trường trong năm 2017 của VAMC đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Song song với đẩy mạnh mua nợ theo giá thị trường, VAMC tích cực xử lý số nợ xấu đã mua bằng nhiều hình thức khác như phối hợp với các TCTD rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng và phân loại khách hàng, khoản nợ, TSBĐ của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có phương án xử lý nợ phù hợp. Cơ cấu lại nợ và hướng dẫn khách hàng thực hiện theo quy định; Xây dựng danh mục các khách hàng dự kiến áp dụng biện pháp khởi kiện và đề nghị Tòa áp dụng thủ tục rút gọn; Phối hợp với Tổng cục Thi hành án Dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật... là kế hoạch của VAMC thực hiện trong thời gian tới để đẩy nhanh tốc độ XLNX.Thừa nhận đây là một trong những giải pháp giúp VAMC xử lý triệt để nợ xấu, nhưng lãnh đạo VAMC cũng cho biết, việc mua nợ xấu theo giá thị trường cần phải thận trọng, nhận diện được rủi ro khoản nợ. Đơn cử, rủi ro về mặt pháp lý đối với TSBĐ của khách hàng hay như tính thanh khoản của khoản nợ đó. Đối với các khoản nợ mua về bao giờ VAMC cũng có phương án tái cấu trúc để giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh và có tiền trả nợ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, khách hàng đó không thể phục hồi thì phải xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, tối thiểu là phải bảo toàn được vốn.
“Đến cuối năm VAMC sẽ xử lý được khoảng 22 – 25 nghìn tỷ đồng và có thể còn cao hơn nhờ hiệu ứng Nghị quyết 42 của Quốc hội với sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, các cấp. Mục tiêu này là khả thi vì từ đầu năm đến nay, VAMC đã xử lý thu hồi được 9.000 tỷ đồng nợ xấu. Qua đó giúp các TCTD bơm thêm một lượng vốn mới tái đầu tư cho nền kinh tế, hỗ trợ tích cực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay”, lãnh đạo VAMC lạc quan nói.
Từ 1/1/2017 đến hết 15/8/2017, VAMC đã mua nợ của 11 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 15.751 tỷ đồng, giá mua nợ là 15.477 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm 2017. Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/8/2017, VAMC đã mua được 26.049 khoản nợ của 16.154 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng 291.306 tỷ đồng, giá mua nợ là 261.401 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC đã mua một khoản nợ theo giá thị trường với giá 9,8 tỷ đồng. |