Tính đến cuối năm 2015, hoạt động của QTDND tại khu vực NTB&TN đạt được những kết quả đáng kể, thể hiện qua một số mặt như sau: Tổng nguồn vốn của các QTDND trên địa bàn NTB&TN đạt 3.613.555 triệu đồng, tăng 606.896 triệu đồng (+20,19%) so với đầu năm. Trong đó: Vốn điều lệ đạt 154.187 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 4,27%. Tổng nguồn vốn tăng 17.570 triệu (+12,86%) so với đầu năm; nguồn vốn huy động: 2.889.971 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 79,98%. Tổng nguồn vốn tăng 445.500 triệu đồng (+18,22%) so với đầu năm; vốn vay: 389.671 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 10,78%. Tổng nguồn vốn tăng 129.501 triệu đồng (+49,78%) so với đầu năm; vốn và các quỹ khác: 72.028 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 1,99%. Tổng nguồn vốn tăng 4.570 triệu đồng (+6,78%) so với đầu năm.
Tín dụng là hoạt động sinh lời chủ yếu của hệ thống QTDND, nên chất lượng tài sản được đánh giá chủ yếu qua chất lượng tín dụng và khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng tại các QTDND: Tỷ lệ tài sản có sinh lời/Tổng tài sản có (TSC) của 77 QTDNN trên địa bàn đạt 97,34%, trong đó hoạt động tín dụng chiếm đến 83,2%/Tổng TSC, còn lại là khoản tiền gửi ở các TCTD khác và góp vốn, mua cổ phần.
Thông qua việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư nhằm cung cấp vốn cho thành viên để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ, cải thiện sinh hoạt và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tổng thu nhập của 77 QTDND là 381.735 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 10,56%/ Tổng TSC. Tổng chi phí của 77 QTDND là 349.367 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 9,67%/Tổng TSC. Kết quả kinh doanh năm 2015 của toàn khối đạt 32.368 triệu đồng, tăng 2.149 triệu đồng (+7,11%) so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc đưa nguồn vốn vào đầu tư phục vụ cho phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ … QTDND cũng có đóng góp một cách đáng kể các khoản thuế hàng năm cho ngân sách địa phương.
Đến nay, đại bộ phận các QTDND đều có trụ sở làm việc, các QTDND cũng đã tự mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh như két sắt, điện thoại, máy vi tính và phần mềm quản lý… Nhờ đó, hoạt động của QTDND ngày càng trở nên chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn cho thành viên của quỹ và nhân dân nơi QTDND hoạt động.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của Hội đồng quản trị, Ban điều hành cùng các thành viên trong Quỹ, còn có sự quan tâm, giúp đỡ của Cấp Ủy, chính quyền đia phương nơi QTDND hoạt động, của liên minh HTX, NH-HTX và đặc biệt là sự theo dõi, chỉ đạo sát sao về mọi mặt của NHNN Chi nhánh các tỉnh trên địa bàn NTB&TN và sự “đồng hành” của BHTGVN với các QTDND nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các QTDND.
Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của một số QTDND như: còn có biểu hiện chạy theo kinh doanh đơn thuần do chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mục tiêu hoạt động của QTDND; đội ngũ cán bộ nghiệp chưa được ổn định do cán bộ được đào tạo xong hay thay đổi công việc; công tác quản trị, điều hành, kiểm soát còn nhiều vi phạm, điển hình như QTD An Thành tỉnh Quảng Ngãi (giải thể năm 2008); Năng lực tài chính vẫn còn ở mức thấp: Với những hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động, nguồn vốn tự có của hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ tính tự chủ về tài chính cũng như về uy tín của đơn vị, với mức vốn tự có bình quân 3.278 triệu đồng/QTDND thì tỷ lệ vốn tự có/Tổng TSC toàn khối (77 QTDND) chỉ đạt 6,99%. Do đó, nguồn vốn hoạt động chủ yếu của QTDND được hình thành từ việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi của cá nhân và tổ chức trên địa bàn. Ngoài ra, nợ quá hạn toàn khu vực chiếm tỷ lệ 0,54%/TDN, giảm 13,46% so với đầu năm. Nợ xấu toàn khu vực chiếm tỷ lệ 0,38%/TDN, giảm 3,78% so với đầu năm cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của QTDND; Bên cạnh những QTDND có khả năng huy động nguồn tiền nhàn rỗi ổn định, chi phí thấp đáp ứng phần lớn nhu cầu vay vốn của thành viên, vẫn còn một số QTDND rất khó khăn trong công tác huy động vốn, trong khi nhu cầu vay vốn tại các QTDND này tăng cao, buộc các QTDND phải đi vay để cho vay, đẩy tỷ trọng Nguồn vốn vay/Tổng nguồn vốn lên cao. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cho vay trên phạm vi diện rộng, có nhiều hình thức huy động vốn cũng như cho vay, cũng đã ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của QTDND.
Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, góp phần củng cố và phát triển hệ thống QTDND trong thời gian tới, bài viết xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
* Thứ nhất, về công tác phát triển thành viên và tăng vốn điều lệ:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trên địa bàn nơi QTDND hoạt động tham gia thành viên QTDND.
- Tuyên truyền, vận động thành viên hiện có góp vốn thường niên để duy trì tư cách thành viên theo quy định của NHNN.
* Thứ hai, về công tác huy động vốn:
- Niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi; tuyên truyền về chính sách BHTG, cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật về BHTG.
- Cần có chính sách lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của QTDND và mặt bằng lãi suất trên địa bàn.
- Huy động tiền gửi trung hạn để có nguồn đáp ứng nhu cầu vay vốn trung hạn của thành viên.
- Tổ chức các hội nghị huy động vốn; tranh thủ vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Mở rộng thu hút vốn đến mọi chủ thể cư trú hoặc đối với các QTDND có thành viên là người không thường trú tại địa bàn hoạt động, cần phải xây dựng phương án xử lý đúng theo quy định của Thông tư 04/2015/TT-NHNN .v.v.
* Thứ ba, về công tác tín dụng
- Đẩy mạnh công tác hoạch định chiến lược tài chính. Nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu về vốn và nhu cầu huy động vốn; đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, tránh hiện tượng vốn nhàn rỗi và để có điều kiện tập trung nguồn vốn.
- Đẩy mạnh công tác cho vay để tăng trưởng tín dụng, đồng thời phải giữ vững được chất lượng tín dụng; kìm chế nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh.
- Giải quyết cho vay nhanh gọn, tuân thủ theo đúng quy định cho vay, áp dụng lãi suất cho vay phù hợp và không vượt trần.
- Kiểm tra sử dụng vốn vay trước, trong và sau khi cho vay nhằm hướng cho thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng hạn.
- Cán bộ tín dụng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và ban nhân dân các thôn để nắm bắt thông tin về nhu cầu vay vốn của các thành viên, từ đó có hướng giải quyết xác thực, hiệu quả, giúp thành viên tiếp cận vốn vay kịp thời.
* Thứ tư, về các mặt công tác khác
- Chấp hành tốt điều lệ QTDND, Nghị quyết Đại hội đại biểu thành viên và các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành có liên quan đến hoạt động của QTDND.
- Nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, lịch sự trong giao tiếp và có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề; điều hành QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững.
- Không ngừng tuyên truyền vận động thành viên và nhân dân sử dụng và ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ của QTDND.
- Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể củng cố và quản lý tốt nguồn vốn liên tịch với các tổ chức Hội và cơ quan có thành viên vay vốn tại QTDND.
- Đẩy mạnh hoạt động của Ban kiểm soát, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ kế toán tài chính và thực hiện theo đúng chế độ quy định; công tác kho quỹ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để mất mát, thiếu hụt xảy ra…
Nguyễn Phi Mai - Phòng Tổng hợp, Chi nhánh BHTGVN khu vực NTB&TN
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Kết quả giám sát Hệ thống QTDND quý IV/2015 của CNKV NTB&TN
- Luật BHTG
- Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của NHNNVN quy định về QTDND