Hệ thống thông tin đầu vào phục vụ cho hoạt động giám sát tại CN được thu thập trên cơ sở các quy định của pháp luật về hoạt động BHTG. Yếu tố linh hoạt và chủ động tiếp cận nguồn thông tin được CN triển khai áp dụng phù hợp với từng giai đoạn.
Trước khi có Luật BHTG
Thông tin đầu vào cho hoạt động của BHTGVN được quy định tại Điều 11 và Điều 13 của Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về BHTG; Thông tư 03/2006/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 89, Nghị định 109, theo đó, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm nộp cho tổ chức BHTG các loại báo cáo theo quy định của BHTGVN và báo cáo ngay bằng văn bản trong một số trường hợp cụ thể. Việc cung cấp thông tin của NHNN cho BHTGVN được giao cho cơ quan Thanh tra ngân hàng (NH), Vụ các NH, Vụ các TCTD hợp tác, Chi nhánh NHNN các tỉnh thành phố, Vụ Chính sách tiền tệ và Cục Công nghệ tin học NH. Giai đoạn này, CN thực hiện việc thu thập thông tin phục vụ cho nghiệp vụ giám sát từ hai nguồn chủ yếu: Nguồn thông tin trực tiếp từ các tổ chức tham gia BHTG (gồm các loại báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo theo yêu cầu của BHTGVN và các loại báo cáo khác); Nguồn thông tin từ sự chia sẻ, trao đổi với Ngân hàng Nhà nước.
Nhận thấy, việc tiếp cận thông tin trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để tổ chức BHTG phân tích đánh giá tình hình một cách khách quan, chủ động và kịp thời bảo vệ người gửi tiền, CN đã tích cực nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức tham gia BHTG như: gửi văn bản hướng dẫn và các yêu cầu về thông tin báo cáo theo quy định của BHTGVN, thường xuyên liên lạc, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tham gia BHTG gửi báo cáo kịp thời cho CN. Đặc biệt, từ năm 2007, BHTGVN triển khai thí điểm Đề án hỗ trợ truyền tin cho các tổ chức tham gia BHTG. Với đặc thù tổ chức tham gia BHTG số lượng lớn, địa bàn rộng, nhận thấy sự cần thiết và tính thiết thực của Đề án, CN đã chủ động triển khai thực hiện đi đầu trong việc thí điểm hỗ trợ các đơn vị cài đặt và truyền báo cáo ngay từ đầu năm 2007. Việc tiếp cận thông tin trực tiếp từ các đơn vị qua hệ thống internet đã giúp các đơn vị gửi báo cáo đến BHTGVN được nhanh chóng, thuận lợi và đảm báo chính xác. Nguồn thông tin này đã giúp CN nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phân tích giám sát hệ thống QTDND trên địa bàn, kịp thời phát hiện những đơn vị có biểu hiện yếu kém, trên cơ sở đó đánh giá và ra quyết định kiểm tra trực tiếp để tìm nguyên nhân, giúp đơn vị khắc phục và chấn chỉnh hoạt động kịp thời;
Xác định NHNN là cơ quan quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn, những thông tin thường xuyên, đột xuất liên quan đến hoạt động của hệ thống TCTD trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng. Việc trao đổi thông tin giữa BHTGVN và NHNN đã được cụ thể hóa khá chi tiết tại Thông tư 03/2006/TT-NHNN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do các hoạt động BHTG tại Việt Nam được điều chỉnh bởi Nghị định, khung pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được quy định và phương thức trao đổi thông tin cụ thể, chi tiết giữa BHTGVN và NHNN. Để khai thác hiệu quả nguồn thông tin này, CN đã rất nỗ lực phối hợp chặt chẽ với NHNN để chủ động tiếp cận thông tin dựa trên mối quan hệ “đồng hành cùng TCTD trên địa bàn”. Việc chia sẻ thông tin với Chi nhánh NHNN chủ yếu trực tiếp qua điện thoại hoặc bằng văn bản với những thông tin liên quan đến kế hoạch kiểm tra giám sát của các chi nhánh NHNN, một số chỉ tiêu về hoạt động NH như tổng nguồn vốn hoạt động, vốn huy động, dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh NHTM trên địa bàn và các thông tin đột xuất, vấn đề sự cố trong quá trình hoạt động của đơn vị. Trên cơ sở thông tin nắm được, Lãnh đạo Chi nhánh nhanh chóng họp bàn, xin ý kiến chỉ đạo của BHTGVN, đề xuất các phương án xử lý. Hầu hết việc xử lý tình huống tại các tổ chức gặp vấn đề, Lãnh đạo CN đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo Chi nhánh NHNN đồng thời xuống tận đơn vị để nắm rõ thông tin, phân tích kỹ tình hình và diễn biến cụ thể để cùng NHNN lựa chọn phương án xử lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Có thể nói, bằng sự hiện diện của lãnh đạo CN - đại diện cho tổ chức BHTG cùng sự đảm bảo chắc chắn quyền lợi của người gửi tiền đã góp phần an lòng người gửi tiền tại các đơn vị đang có vấn đề.
Từ khi Luật BHTG có hiệu lực
Luật BHTG ra đời, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất nâng cao hiệu quả của hoạt động của tổ chức BHTG.
Quy định về thông tin báo cáo giữa tổ chức tham gia BHTG, NHNN và BHTGVN được quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 33 và Điều 34 của Luật. Theo đó, việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ BHTG, đặc biệt là hoạt động giám sát của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG vẫn chủ yếu dựa trên 02 nguồn thông tin: Nguồn thông tin báo cáo từ tổ chức tham gia BHTG (trước hết là thông tin về tiền gửi được bảo hiểm); Nguồn thông tin truy cập từ dữ liệu của NHNN về tổ chức tham gia BHTG (nhưng chưa có quy định cụ thể).
So với quy định trước đây, Luật BHTG đã quy định rõ, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức BHTG theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức BHTG, nguồn thông tin này đảm bảo cho hoạt động giám sát phí BHTG của BHTGVN. Đối với nguồn thông tin từ NHNN, tổ chức BHTG được phép tiếp cận dữ liệu thông tin của NHNN về tổ chức tham gia BHTG, để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN có trách nhiệm để tổ chức BHTG tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ.
Trên thực tế, Luật đã có hiệu lực hơn 01 năm nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc trao đổi thông tin báo cáo giữa BHTGVN, tổ chức tham gia BHTG và NHNN, vì vậy để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, CN vẫn thực hiện đôn đốc và tiếp nhận các báo cáo trực tiếp từ đơn vị truyền tới, chủ yếu là báo cáo định kỳ (bảng cân đối tài khoản kế toán, báo cáo các chỉ tiêu thống kê theo quy định của NHNN, chỉ tiêu thống kê theo quy định của BHTGVN), đây là nguồn dữ liệu không thể thiếu trong phân tích giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin với NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố về tình hình hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn quản lý dựa trên mối quan hệ trao đổi thông tin thiết lập giữa CNvà NHNN các tỉnh thành phố, chưa có cơ chế thực thi chính thức, và chủ yếu là các thông tin đột xuất phát sinh. Trên cơ sở nguồn thông tin có được, CN sẽ phân tích đánh giá tình hình và có các phương án xử lý phù hợp với thực tiễn tại từng đơn vị, địa phương đem lại hiệu quả cao trong công tác giám sát. Điển hình, năm 2013, CN đã tăng cường giám sát chặt chẽ, thu thập thông tin thông qua Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và các nguồn thông tin khác, nắm bắt sát sao tình hình hoạt động của các tổ chức gặp vấn đề để cùng phối hợp xử lý khi có diễn biến xấu như tại QTDND Cát Thành (Nam Định); QTDND Nam Hải (Thái Bình); Đặc biệt, CN đã thành công trong việc xử lý sự cố rút tiền hàng loạt xảy ra tại quỹ Vĩnh Hòa (Hải Dương). Tại đây, CN đã phối hợp với ngân hàng Nhà nước Hải Dương thống nhất tổ chức hội nghị khách hàng có sự hiện diện của lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ quan công an và các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thực trạng hoạt động của quỹ và chính sách BHTG sẽ bảo vệ quyền lợi của họ. Đồng thời, theo dõi sát sao tình hình hoạt động và có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Chính vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn đơn vị đã ổn định hoạt động.
Kiến nghị, đề xuất
Từ thực tế cũng như đã phân tích ở trên, để hoạt động giám sát của BHTGVN nói chung và tại Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ nói riêng ngày càng có chất lượng và hiệu quả, bài viết xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:
Thứ nhất, BHTGVN cùng NHNN khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN và NHNN. Theo đó, cơ chế chia sẻ thông tin phải quy định rõ ràng, minh bạch quyền và trách nhiệm giữa các bên trong trao đổi thông tin, trách nhiệm trong việc xử lý thông tin, quy định chi tiết loại thông tin, dữ liệu, hình thức cung cấp, phương thức chia sẻ, phối hợp giữa các bên, đặc biệt là những thông tin đột xuất, liên quan đến hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG gặp sự cố hoặc những đơn vị đang gặp vấn đề trong hoạt động. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên trong quá trình tác nghiệp, trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, thông tin cung cấp giữa các bên sẽ mang tính chính thống, kịp thời và đầy đủ, đảm bảo tính pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên trong việc xử lý thông tin.
Thứ hai, trên cơ sở những thay đổi về quy định cung cấp thông tin báo cáo cho hoạt động giám sát, trước khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng, BHTGVN cần chủ động xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát phù hợp với nguồn thông tin đầu vào từ NHNN và tổ chức tham gia BHTG giúp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát; phối kết hợp với hoạt động kiểm tra tại chỗ để xây dựng hệ thống chỉ tiêu và mẫu biểu liên quan đến hoạt động giám sát tiền gửi tại tổ chức tham gia BHTG. Chủ động xây dựng hệ thống đánh giá xếp loại các tổ chức tham gia BHTG theo mức độ rủi ro, tạo một kênh đánh giá độc lập, khách quan, về lâu dài có thể phục vụ cho việc áp dụng tính phí theo mức độ rủi ro nếu được Chính phủ cho phép.
Thứ ba, với đặc thù địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu là QTDND cơ sở, CN cần phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục chủ động phối kết hợp với Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của hệ thống này, đặc biệt trong việc xử lý các đơn vị gặp vấn đề. Chủ động các tài liệu phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền về chính sách BHTG một cách nhanh chóng kịp thời đúng thời gian, địa điểm làm an lòng người gửi tiền, trực tiếp xuống tận nơi có diễn biến sự việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp người gửi tiền.
Thứ tư, BHTGVN và CN cần chủ động nắm bắt những thay đổi liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian tới như: Chương trình tái cơ cấu hệ thống QTDND; Thông tư 31 về tổ chức hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã; Thông tư về tổ chức hoạt động của QTDND cơ sở dự kiến sẽ được ban hành vào đầu năm nay với nhiều nội dung thay đổi. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ đến tổ chức, hoạt động của hệ thống QTDND. Trong quá trình đó, vai trò giám sát an toàn hoạt động hệ thống này của BHTGVN nói chung và Chi nhánh nói riêng cần tiếp tục được khẳng định.
Thứ năm, thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, nguồn thông tin trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo thực thi nhiệm vụ của CN nói riêng và BHTGVN nói chung, thêm vào đó, để đảm bảo tính khách quan trong kết quả giám sát, đề nghị các cơ quan chức năng khi ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật BHTG cần nghiên cứu quy định rõ hơn thông tin báo cáo về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG cho BHTGVN.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 19/6/2012;
- Các Nghị định, Thông tư của Chính phủ về BHTG;
- Các báo cáo kết quả hoạt động năm của Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc bộ;
- Một số thông tin tham khảo trong các bài viết trên các website.