TS. Nguyễn Tú Anh |
Tỷ giá cuối năm và trong năm tới sẽ ổn định, điều hành CSTT vẫn ưu tiên hàng đầu là đảm bảo được ổn định KTVM. TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Ông có thể cho biết diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay?
Kinh tế đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn. Thông thường quý IV, kinh tế tăng trưởng không thấp hơn quý III nên quý IV này chỉ cần tăng trưởng như quý III thì sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm. Các dự báo đều khá thống nhất khi cho rằng, lạm phát cả năm 2017 chỉ xấp xỉ 4%. Để duy trì KTVM ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn thì không nên tạo ra những đợt tăng tín dụng đột biến, mà cần bám sát theo diễn biến của thị trường, khả năng đáp ứng của nguồn cung và sức hấp thụ của bên cầu. Do đó, dự kiến, tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 sẽ không tăng đột biến so với kế hoạch.
Trên thị trường ngoại hối, năm nay có một thuận lợi là trạng thái ngoại tệ khá tốt nên NHNN đã tăng mua ngoại tệ trong những tháng vừa qua, đồng thời NHNN cũng theo sát thị trường trong nước để sẵn sàng can thiệp kịp thời những tác động của hoạt động mua ngoại tệ thông qua các công cụ tiền tệ và thị trường OMO. Cho đến nay thì thị trường không có những diễn biến bất thường.
Nhưng khả năng lớn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12 tới?
Hiện, NHNN không neo tỷ giá vào đồng USD mà thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, tức là làm sao vừa cân đối được cung – cầu ngoại tệ trong nước, biến động của 8 ngoại tệ trên thị trường quốc tế và diễn biến KTVM.
Trên thị trường quốc tế, trong những tháng cuối năm, có một yếu tố được nhiều người nói đến là khả năng Fed sẽ tăng lãi suất và có thể làm tăng giá đồng USD. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này cần được nhìn nhận ở góc độ là các đồng tiền chính khác như của EU, Anh, Nhật… cũng có chiều hướng mạnh lên. Lý do vì NHTW ở các nền kinh tế này bắt đầu có xu hướng hạn chế chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm nhanh lượng mua tài sản (tức là sẽ hạn chế bơm tiền ra) và đều tuyên bố đến 2018 sẽ chuyển trạng thái mua ròng tài sản về bằng 0.
Điều đó cho thấy, Fed và các NHTW lớn bắt đầu đi cùng hướng trong CSTT. Như vậy, dù đồng USD có thể mạnh lên nhưng các đồng tiền mạnh khác cũng mạnh lên nên khả năng biến động giá trị của đồng USD so với các đồng tiền khác (chỉ số USD Index) sẽ không thay đổi nhiều, hàm nghĩa là ảnh hưởng của Fed tăng lãi suất đến tỷ giá ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ không lớn.
Khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm được đánh giá là lên đến hơn 96%, nhưng biến động về giá các đồng tiền trong thời gian qua không nhiều, đồng USD có hồi phục từ cuối tháng 9 nhưng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự đảo chiều ngoạn mục của cán cân thương mại đã giúp cải thiện mạnh mẽ cán cân vãng lai giảm mạnh áp lực về cầu ngoại tệ cuối năm (mà theo mùa vụ thường tăng cao hơn).
Các mô hình dự báo của NHNN và một số NHTM cũng cho thấy, cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư lớn. Từ hồi tháng 6 khi thâm hụt thương mại đang ở mức cao nhưng các dự báo vẫn cho thấy, cán cân tổng thể có khả năng thặng dư khoảng 2 tỷ USD nay đã có chuyển biến rất nhanh ở cán cân thương mại và giải ngân FDI tăng nhanh thì khả năng cán cân tổng thể sẽ thặng dư vượt xa mức 2 tỷ USD.
NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường và trạng thái ngoại tệ của các NHTM để chủ động điều chỉnh các diễn biến bất thường nếu có. Với tình hình cung - cầu trong nước khá thuận lợi, diễn biến thị trường quốc tế chưa có gì bất thường, gần như chắc chắn tỷ giá sẽ không biến động quá lớn.
Để chống đô la hóa thì cần tiếp tục giảm dần tín dụng ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua – bán. Điều này đòi hỏi phải có lộ trình chứ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Như đến thời điểm này, tín dụng ngoại tệ tăng nhưng chủ yếu là do tín dụng ngắn hạn vì xuất và nhập khẩu tăng mạnh đến 2 con số. Trong khi đó tín dụng ngoại tệ trung, dài hạn thì tiếp tục giảm và đang theo đúng lộ trình.Và định hướng cho tín dụng ngoại tệ như thế nào, thưa ông?
Khi KTVM ổn định, cộng với lạm phát ở mức thấp thì nhu cầu găm giữ ngoại tệ giảm đi. Đó là điều kiện tốt để chuyển từ quan hệ tín dụng sang mua bán ngoại tệ trong tương lai.
Ông có thể cho biết dự báo tăng trưởng và định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm tới?
Chúng tôi dự báo GDP năm 2018 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,5-6,7% vì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn từ cả bên trong và bên ngoài. Thương mại toàn cầu và kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi khá vững chắc và nhiều khả năng sẽ không gây ra cú sốc tiêu cực nào lớn cho kinh tế Việt Nam. Giá xăng dầu, giá các hàng hóa cơ bản khác có khả năng tăng nhưng sẽ không đột biến nên sẽ không gây sức ép lớn. Vì vậy, kiểm soát lạm phát ở mức ổn định theo mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là khả thi.
Sự cải thiện mạnh mẽ của chỉ số môi trường kinh doanh và xu hướng cải cách vẫn đang được đẩy mạnh, đà tăng trưởng kinh tế được phục hồi bền vững… là những yếu tố trọng yếu để tin rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, làm cột trụ cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. Nhưng tình hình thế giới vẫn bất định, môi trường kinh tế, tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Với triển vọng đó, điều hành CSTT vẫn ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ổn định KTVM, kiềm chế lạm phát và neo được lạm phát kỳ vọng ở mức khoảng 4%, đây là yếu tố nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta đã thành công trong neo lạm phát ở mức đó và bắt đầu tạo ra được các kỳ vọng ở trên thị trường là lạm phát chỉ ở mức này. Khảo sát của Câu lạc bộ nghiên cứu kinh tế của các NHTM cho biết các dự báo lạm phát chỉ quanh 4%/năm.
Nếu các kỳ vọng này ngày càng bền vững thì sẽ tạo ra được những lợi thế rất lớn cho nền kinh tế. Bởi khi đó, rủi ro của nền kinh tế giảm đi, nhu cầu đầu cơ giảm đi, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ cũng sẽ giảm đi... sẽ giải thoát được rất nhiều nguồn lực cho nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu neo giữ kỳ vọng lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN vẫn tiếp tục thực hiện CSTT thận trọng, giữ ổn định hợp lý các chỉ số tiền tệ như lãi suất, tỷ giá phù hợp với các diễn biến của thị trường và điều kiện KTVM khác.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!