Bài viết xin tập trung phân tích và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả nghiệp vụ giám sát tại Chi nhánh thời gian qua.
Tính đến tháng 3/2016, Chi nhánh thực hiện giám sát đối với 159 tổ chức tham gia BHTG tại địa bàn 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm 03 ngân hàng thương mại (NHTM) và 156 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Là đầu mối thu thập và xử lý thông tin từ các tổ chức tham gia BHTG tại khu vực, Chi nhánh đã thực hiện phân tích, tổng hợp số liệu, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG để kịp thời cảnh báo đối với các đơn vị có dấu hiệu rủi ro, có biến động bất thường hoặc có nguy cơ dẫn đến phá sản nhằm ngăn chặn lây lan trong hệ thống. Kết quả giám sát đã giúp Chi nhánh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Trên thực tế, chính sách BHTG chịu tác động bởi nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro đạo đức. Đây là rủi ro rất khó kiểm soát và hậu quả lại khó lường vì liên quan chủ yếu đến yếu tố con người. Rủi ro đạo đức phát sinh từ chính người quản trị, điều hành và cán bộ làm việc trong các tổ chức tham gia BHTG do họ có tâm lý ỷ lại vào chính sách BHTG mà thiếu cân nhắc khi đầu tư vào các tài sản sinh lời nhưng có mức độ rủi ro cao; hoặc cố ý gây thiệt hại cho đơn vị để trục lợi, dẫn đến mất khả năng thanh toán, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người gửi tiền. Đối tượng chịu nhiều tác động và tổn thất bởi rủi ro đạo đức chính là tổ chức BHTG và người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG.
Trong những năm gần đây, tại khu vực ĐBSCL đã xuất hiện một số tổ chức tham gia BHTG, chủ yếu QTDND hoạt động không hiệu quả và có nguy cơ đổ vỡ do rủi ro đạo đức. Qua hoạt động giám sát, Chi nhánh đã phát hiện nguyên nhân chủ yếu là do người quản trị, điều hành cố tình sai phạm để tìm cách rút vốn của đơn vị nhằm phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Trong khi đó, hoạt động của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên chuyên trách ở những đơn vị này thì lại mờ nhạt, mang tính hình thức, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trước thực trạng đó, Chi nhánh NHNN trên địa bàn đã có biện pháp kịp thời để củng cố chấn chỉnh và cơ cấu lại các đơn vị này, đồng thời tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống. Chi nhánh cũng đã triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, cử cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu sâu về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động của QTDND để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu của Chi nhánh NHNN;
- Thứ hai, cử cán bộ giám sát quản lý địa bàn thực hiện theo dõi, giám sát chuyên sâu tình hình, biến động của các QTDND để báo cáo BHTGVN theo định kỳ;
- Thứ ba, chủ động gửi văn bản đề nghị các QTDND báo cáo tình hình tiền gửi theo định kỳ hàng tuần để nắm bắt diễn biến về tiền gửi được bảo hiểm;
- Thứ tư, chủ động liên hệ, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHNN để tìm các biện pháp hữu hiệu về cơ cấu lại các QTDND có vấn đề, ổn định hoạt động và không để xảy ra đổ vỡ. Một trong những biện pháp đó là: (i) Kiến nghị Thống đốc NHNN xem xét cho QTDND có vấn đề được vay vốn đặc biệt để chi trả tiền gửi cho khách hàng đến hạn; (ii) Kiến nghị Thống đốc cho QTDND có vấn đề được sử dụng nguồn tiền gửi duy trì tối thiểu tại Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) để tăng cường nguồn thanh khoản; (iii) Đề nghị chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ QTDND thu hồi nợ và có biện pháp đảm bảo an ninh khi xảy ra sự cố; (iv) Đề nghị QTDND có vấn đề tăng cường công tác thu nợ đến hạn, đôn đốc các cá nhân sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả, đồng thời kết hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, động viên khách hàng gửi lại tiền khi đến hạn.
- Thứ năm, thường xuyên tham mưu và kịp thời báo cáo BHTGVN những diễn biến bất thường trong hoạt động của các QTDND để có biện pháp xử lý…
Qua thời gian thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nêu trên, tình hình hoạt động của các QTDND luôn được duy trì ổn định, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các quỹ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, qua đó hạn chế tổn thất vốn cho BHTGVN khi không phải thực hiện nghĩa vụ chi trả.
Từ thực tiễn, nhằm tăng cường vai trò hoạt động giám sát đối với các tổ chức tham gia BHTG để có thể giảm thiểu những tổn thất từ rủi ro đạo đức về trục lợi chính sách BHTG, Chi nhánh xin đề xuất một số ý kiến, kiến nghị như sau:
- Một là, cần chủ động nâng cao chất lượng giám sát từ xa, hướng đến hoạt động giám sát rủi ro bên cạnh hoạt động giám sát tính tuân thủ của các tổ chức tham gia BHTG. Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ giám sát địa bàn, tăng cường mối quan hệ giữa bộ phận giám sát với các tổ chức tham gia BHTG qua trao đổi, tư vấn và hỗ trợ nghiệp vụ để có được nguồn thông tin, báo cáo, số liệu đầu vào kịp thời, chính xác.
- Hai là, đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin với Chi nhánh NHNN thông qua Cơ quan Thanh tra giám sát để có thể nắm bắt cụ thể, rõ ràng tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là các tổ chức tiềm ẩn rủi ro cao nhằm hạn chế thiệt hại cho người gửi tiền, giảm tổn thất vốn cho BHTGVN khi phải thực hiện nghĩa vụ chi trả.
- Ba là, đối với các tổ chức tham gia BHTG, cần đảm bảo hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ của đơn vị thực hiện đúng theo quy định của NHNN nhằm phòng ngừa được rủi ro đạo đức tại đơn vị.
- Bốn là, tăng cường hiệu quả phối hợp chia sẻ thông tin giữa Chi nhánh NHNN và Chi nhánh BHTGVN về tình hình hoạt động, xếp loại các TCTD trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHNN cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ việc quản lý và phát hành các ấn chỉ về tiền gừi để hạn chế rủi ro đạo đức có thể gây thiệt hại cho tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền.
- Năm là, BHTGVN cần đẩy nhanh tiến trình tham mưu cho NHNN trong việc thực hiện Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm, sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp với thực tế hiện nay.
- Sáu là, đề nghị BHTGVN nghiên cứu tham mưu cho NHNN xem xét ban hành quy định “Trong thời gian tổ chức tham gia BHTG bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tạm thời không cho chuyển nhượng cổ phần hoặc chi trả tiền gửi đối với cổ phần hoặc tiền gửi của các đối tượng không được bảo hiểm theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật BHTG, cụ thể: cổ đông trên 5% vốn điều lệ, thành viên HĐQT, thành viên BKS, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chính tổ chức tham gia BHTG đó”. Lý do, các đối tượng không được bảo hiểm nêu trên là những người nắm quyền kiểm soát và chi phối hầu hết mọi hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Việc kiến nghị ban hành quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của họ đối với tổ chức, qua đó có thể hạn chế được rủi ro đạo đức từ việc chuyển nhượng vốn cổ phần để chuyển rủi ro sang người khác hay chuyển tiền gửi của đối tượng không được bảo hiểm sang đối tượng được bảo hiểm để trục lợi chính sách BHTG.