Cạnh tranh lãi suất các kỳ hạn vừa phải
Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước tăng giảm rất chậm so với thế giới. Đồng thời, nhiều thời điểm vàng trong nước lỗi nhịp khi diễn biến tăng giảm ngược chiều với giá vàng thế giới. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại các NHTM và trên thị trường tự do 6 tháng qua tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 6, tỷ giá tại các NHTM giảm khoảng 0,17% so với đầu năm, tỷ giá thị trường tự do bám khá sát với tỷ giá của các NHTM, giảm 1,65% so với đầu năm dù tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 1,2%. Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ đều tăng giá so với USD. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá thực hữu hiệu đã mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân không có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán và bất động sản đang khá tích cực “săn” các NH có lãi suất tốt.
Vietcapital Bank áp dụng lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng là 7,2%/năm, từ 9-11 tháng là 7,3%/năm. NCB áp dụng lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm, kỳ hạn 7 tháng là 7,1%/năm, kỳ hạn 8 tháng 7,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng 7,3%/năm, kỳ hạn 10 tháng, 11 tháng là 7,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, gửi dưới 100 tỷ đồng lãi suất 7,6%/năm, gửi từ 100 tỷ đồng trở lên lãi suất 8,5%/năm. Tại SCB, gửi theo chương trình phú quý cuối kỳ, kỳ hạn 6 tháng trả lãi suất 7,45%/năm, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 7,9%/năm.Theo nhân viên tư vấn của các NHTM, gần đây, khách hàng bắt đầu quan tâm nhiều đến các kỳ hạn gửi tiền dài, nhưng các kỳ hạn từ 6-13 tháng vẫn được ưa chuộng nhất vì dễ xoay chuyển dòng tiền khi có nhu cầu. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều NH cũng đang có mức lãi suất rất tốt dành cho các kỳ hạn này để thu hút khách hàng gửi tiền. Như với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, Vietbank áp dụng mức lãi suất huy động khá cạnh tranh với 7%/năm cho kỳ hạn gửi tiền 6-8 tháng, từ 9-12 tháng là 7,1%/năm. Tại CB, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 7,35%/năm và cao nhất là 7,5%/năm tùy theo khoản tiền gửi. Đối với kỳ hạn từ 9-11 tháng, lãi suất thấp nhất là 7,45%/năm và cao nhất là 7,7%/năm.
Nhiều sản phẩm đặc thù
Nếu trước đây, các NH thường chạy đua hút vốn bằng các chương trình khuyến mại quà tặng thì hiện nay, xu hướng này đã giảm, thay vào đó là khuyến mại lãi suất để tất cả khách hàng tham gia gửi tiền đều được hưởng lợi. Một số người lớn tuổi gửi tiền tại SCB cho biết, bên cạnh mức lãi suất cạnh tranh, họ còn được nhận thêm 0,05% lãi suất ưu đãi dành cho người trung niên. Khách hàng được NH xếp hạng VIP cũng nhận được ưu đãi này, theo đó, hạng VIP Saphia cộng thêm 0,05%, hạng VIP Ruby cộng 0,1% và hạng VIP Diamond được cộng 0,15%. Tại Eximbank, người gửi tiền từ 50 tuổi trở lên gửi tiết kiệm thường từ 6-11 tháng được thưởng lãi suất 0,1% còn nếu tham gia hình thức Tiết kiệm Phúc Bảo An được nhận lãi suất thưởng 0,3%/năm.
Hay NCB áp dụng lãi suất lũy tiến, cộng thêm 0,05% cho khách hàng gửi 500 triệu đến dưới 2 tỷ đồng tất cả các kỳ hạn, cộng thêm 0,1% gửi từ 2 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, để khách hàng được hưởng lãi suất có kỳ hạn cho tổng thời gian thực gửi khi gửi tiền không tròn tháng, các NH còn thiết kế sản phẩm tiết kiệm quyền chọn.
Tại Vietbank, khách hàng có thể linh hoạt chọn kỳ hạn gửi từ 30 ngày đến 364 ngày. Theo đó, kỳ hạn từ 30-59 ngày và 60-89 ngày áp dụng lãi suất 5,4%/năm, kỳ hạn 90-119 ngày, 120-149 ngày và 150-179 ngày áp dụng lãi suất 5,5%/năm, các kỳ hạn 180-239 ngày, 240-299 ngày ở mức 7%/năm, các kỳ hạn 270-299 ngày, 300-329 ngày và 330-364 ngày ở mức 7,1%/năm. Ngoài ra, với kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất cuối kỳ kỳ hạn 1 tháng là 5,4%/năm nhưng tại SCB, khách hàng có thể chọn gửi kỳ hạn 31 ngày với lãi suất 5,45%/năm hoặc kỳ hạn 39 ngày, 45 ngày với lãi suất 5,5%/năm.
Theo thống kê của NHNN, năm 2016, tín dụng trung và dài hạn chiếm 50% tổng tín dụng của nền kinh tế, nhưng huy động vốn trung và dài hạn chỉ chiếm 12-13%, theo đó cơ cấu tín dụng còn những rủi ro kỳ hạn, có những phân khúc chưa an toàn. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và đầu tư trung dài hạn của hệ thống TCTD tăng từ 31,8% lên khoảng 35% trong năm 2016. Một số TCTD tỷ lệ này cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06/2016 của NHNN.
Từ đầu năm 2017 đến nay, các NHTM đã tích cực cải thiện tỷ lệ vốn ngắn hạn bằng cách tăng lãi suất kỳ hạn dài và giảm lãi suất kỳ hạn ngắn. Song để huy động vốn trung và dài hạn bền vững, một chuyên gia tài chính cho rằng các NH nên tăng cường “tấn công” mạnh vào các sản phẩm đặc thù. Hiện nhiều NH hướng đến việc huy động vốn từ đối tượng người cao tuổi cũng đã đạt kết quả tốt nên tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm này. Như năm 2014, BacABank bắt đầu triển khai huy động vốn tiết kiệm người cao tuổi, sau 2 năm lượng khách hàng đã đạt 89.253 người, số tiền gửi tăng từ 2.600 tỷ đồng từ tháng 9/2014 lên 28.267 tỷ đồng vào cuối tháng 7/2016, trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng chiếm gần 80% tỷ trọng tổng tiền gửi tiết kiệm cao tuổi, còn tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chiếm đến 33%.
Một sản phẩm nữa cũng huy động được vốn trung và dài hạn ổn định đã được các NH triển khai nhưng chưa được giới thiệu rộng rãi là tiết kiệm dành cho con cái của các bậc cha mẹ. Loại hình tiết kiệm này tuy chỉ huy động kỳ hạn dài nhưng lại đánh trúng nhu cầu của cha mẹ thời hiện đại nên rất dễ thu hút nguồn tiền gửi. Nếu các NH nghiên cứu, tiếp cận sâu hơn, kèm theo những chính sách chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút được nguồn vốn dài hạn không nhỏ từ các nhóm khách hàng này để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn