PV: Chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2009 có thể nói là năm số lượng ngân hàng Mỹ bị đổ vỡ nhiều nhất từ trước đến nay (gần 150 ngân hàng) nhưng không có những xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của Mỹ, quyền lợi của người gửi tiền vẫn được bảo đảm. Có được điều này là nhờ đâu, thưa ông? Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ trong việc xử lý đổ vỡ?
Đại sứ Michael W.Michalak: Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ (FDIC) ra đời trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền sau khi hàng loạt các ngân hàng bị sụp đổ những năm 1929-1930 dẫn đến tình trạng quyền lợi của người gửi tiền không được bảo vệ. FDIC đóng vai trò là cơ quan tạo lập và khôi phục niềm tin của người gửi tiền vào thị trường tài chính. Bên cạnh đó, FDIC cũng đóng vai trò quan trọng vào việc xử lý các ngân hàng bị đổ bể trên nguyên tắc giảm thiểu chi phí.
Ở Mỹ, thường xuyên có những chuyên gia làm việc trong chính bản thân các ngân hàng, nằm trong chính những ngân hàng đó và theo dõi những hoạt động đầu tư của mỗi ngân hàng để bảo đảm rằng các hoạt động đầu tư này mang lại hiệu quả và tránh được các rủi ro đối với những khoản tiền mà người dân gửi vào ngân hàng - những khoản tiền là nguồn chủ yếu tạo nên nguồn vốn của các ngân hàng. Và ở đất nước chúng tôi, tùy theo mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng theo thang đánh giá mà các ngân hàng sẽ phải đóng góp một khoản phí tương ứng với mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải vào quỹ chung do FDIC quản lý. Mặc dù đã có rất nhiều các ngân hàng đổ vỡ trong giai đoạn khủng hoảng vừa rồi nhưng tất cả quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng đều đã được bảo hiểm, các ngân hàng bị đổ vỡ cũng được xử lý một cách êm thấm. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng và hiệu năng hoạt động của cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ. Hiện nay, chúng tôi cũng đang trao đổi, bàn luận để tăng các khoản đóng góp hàng tháng của các ngân hàng vào quỹ chung này nhằm tạo được khả năng ứng phó tốt hơn với rủi ro và đổ vỡ. Cùng với đó là làm sao đổi mới chính sách BHTG cũng như cơ cấu tổ chức BHTG cho phù hợp với những biến động của thị trường tài chính cũng như những tác động của diễn biến trên thị trường này đối với người gửi tiền.
PV: Một cách cụ thể hơn, những đổi mới trong chính sách BHTG như ông vừa đề cập là gì, thưa ông?
Đại sứ Michael W.Michalak: Chẳng hạn, liên quan tới sự độc lập giữa tổ chức BHTG với Ngân hàng Trung ương như thời gian gần đây dư luận rất quan tâm, Quốc hội Việt Nam cũng bàn luận sôi nổi, theo tôi, đương nhiên là trong một số lĩnh vực cụ thể cần phải có sự độc lập giữa những cơ quan nắm quyền. Sự độc lập như vậy tạo nên được lòng tin trong người dân là những cơ quan này đang hoạt động công tâm và hoạt động vì lợi ích của người dân chứ không phải là vì lợi ích của mình hay bất kỳ cơ quan nào khác. Ở Mỹ, người ta ủng hộ quan điểm cần có một Ngân hàng Trung ương độc lập và có quyền tự quyết cũng như tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đang được độc lập và tự quyết. Gần đây, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua đạo luật mới về điều hành, quản lý tài chính, trong đó có việc thành lập một cơ quan độc lập nữa có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính nói chung.
PV: Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, trong đó có việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi. Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống Bảo hiểm tiền gửi ra đời sớm nhất trên thế giới và hoạt động hiệu quả, ông có chia sẻ gì đối với Việt Nam, thưa ông?
Đại sứ Michael W.Michalak: Chúng tôi đã cung cấp các hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính đối với Việt Nam. Cán bộ của Cục dự trữ liên bang đã có những sự phối hợp với cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác cải cách hoạt động ngân hàng và tái cơ cấu các khoản nợ, các khoản cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Tôi cho rằng, sự hình thành và phát triển của cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng giống như ở Mỹ, là nhằm theo sát những diễn tiến về rủi ro để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và giữ ổn định hệ thống tài chính. Và tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi và hiện nay Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng như các cán bộ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với tổ chức Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ Michael W. Michalak: Sự độc lập của cơ quan bảo hiểm tiền gửi là vì lợi ích của người dân
Hướng tới kỷ niệm 15 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thiết lập ngoại giao với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2010), Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với Ngài Michael W.Michalak – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam xung quanh chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam với 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ”. Nhân dịp này, phóng viên Thông tin BHTGVN đã phỏng vấn nhanh Ngài Đại sứ một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.