Sáng 26/10, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trình bày trước Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Dự thảo trình ra Quốc hội lần này đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thực tiễn hơn.
Bổ sung biện pháp can thiệp sớm, hỗ trợ tổ chức tín dụng phục hồi
Một trong những bổ sung quan trọng trong Dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 4 là việc quy định biện pháp can thiệp sớm để xử lý các TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt. Theo đó, NHNN xem xét áp dụng các biện pháp can thiệp sớm khi TCTD, chi nhánh NH nước ngoài lâm vào một trong ba tình huống sau nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn 6 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải báo cáo NHNN thực trạng, nguyên nhân và xác định phương án khắc phục, tổ chức triển khai thực hiện. Nếu thấy cần thiết, NHNN có thẩm quyền yêu cầu điều chỉnh phương án khắc phục. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không xây dựng được phương án khắc phục hoặc quá thời hạn thực hiện phương án khắc phục (trong vòng 1 năm kể từ ngày có văn bản can thiệp sớm của NHNN) mà không khắc phục được, NHNN sẽ áp dụng một hoặc một số biện pháp can thiệp.Các biện pháp này được xây dựng phù hợp với thông lệ đang được áp dụng tại hầu hết các nước trên thế giới.
Bên cạnh việc trao thêm cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chức năng cho vay hỗ trợ, tham gia đánh giá kế hoạch phục hồi đối với các TCTD quy mô nhỏ, dự thảo Luật còn bổ sung vai trò của BHTGVN tham gia mua trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2 cho TCTD hỗ trợ. Đây là một giải pháp tăng thêm nguồn tài chính, giảm áp lực cho TCTD hỗ trợ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Theo đó chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại khi giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ của ngân hàng đó đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có), thực chất đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng nếu cho phá sản sẽ ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống; tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Về thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật đã quy định rõ và phân định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD phụ thuộc vào mức độ phức tạp, rủi ro tiềm ẩn của phương án, biện pháp hỗ trợ dự kiến áp dụng, quy mô hoạt động, tầm ảnh hưởng tới hệ thống các TCTD. Theo nguyên tắc này, các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt chủ yếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Dự thảo luật giao Chính phủ quyết định về chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền – vấn đề nóng tại nghị trường
Thảo luận tại hội trường sáng 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại quyền lợi của người gửi tiền bị ảnh hưởng khi xảy ra phá sản ngân hàng. Có nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ thống các TCTD: tổng tài sản của các hệ thống TCTD đã lên tới trên 9 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản hệ thống ngân hàng trên 8 triệu tỷ đồng, tiền gửi nhân dân trong các TCTD gần 4 triệu tỷ đồng. "Độ lớn, độ sâu tài chính của các TCTD đã chiếm 120% GDP, do đó khi xử lý các tổ chức này cần rất lưu ý độ sâu tài chính".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, băn khoăn của người dân là sử dụng minh bạch ngân sách Nhà nước để xử lý các TCTD yếu kém. Nhiều nước đã sử dụng ngân sách để xử lý các TCTD yếu kém, nhưng có quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cho biết, nên cho phép cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để xử lý việc chi trả cho người gửi tiền đối với các TCTD bị đổ vỡ, để tránh mất an toàn xã hội.
Giải trình về một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc)”. Để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản TCTD.
“Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này. Đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện phá sản TCTD sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản”, Thống đốc cho biết.
Trước một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chỉ quy định quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, chưa đề cập tới trường hợp thực hiện các phương án khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, quyền lợi của người gửi tiền luôn được bảo đảm và không bị ảnh hưởng khi thực hiện các phương án này./.