Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã dành nửa ngày 24/10 để thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đặc biệt, tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định. NHNN đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, kinh tế năm 2017 ngoài việc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng thì kết quả có ý nghĩa cao hơn là chúng ta tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó điều hành chính sách tiền tệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Cách chúng ta sử dụng các công cụ về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thời gian qua rất phù hợp để giúp ổn định vĩ mô, qua đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Có thể thấy gần đây nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân trong nước cũng bỏ tiền ra đầu tư. Điều này thể hiện qua chỉ số chứng khoán. Phân tích cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, đạt được mục tiêu GDP 9 tháng 6,41% và cả năm có thể đạt mục tiêu 6,7% có sự đóng góp của một số lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp đóng góp khá nhiều vào tăng trưởng kinh tế ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016), đóng góp 2,15 điểm phần trăm, cùng với đó là tăng trưởng xuất khẩu cũng khá tốt khi những sản phẩm nông nghiệp như chè, cao su xuất khẩu đạt hiệu quả. Qua đó, giúp cho nhập siêu của chúng ta trong 9 tháng chỉ hơn 400 triệu USD, khoảng 1%, trong khi mục tiêu Quốc hội đặt ra năm 2017 nhập siêu khoảng 3,5%. Dự báo, nhiều khả năng kết thúc năm nay nhập siêu chỉ ở mức 1,5%, khoảng 3 tỷ USD.
Song các đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn còn một số điểm cần lưu ý như năng suất lao động còn thấp, chỉ số ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) còn cao… Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư thành ủy Hà Nội cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ năm nay có 13 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Những chỉ tiêu mà năm ngoái khó khăn như xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân thì nay tăng cao. Người dân được sống trong đất nước bình yên, trật tự an toàn xã ổn định.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trong 5 chỉ tiêu chúng ta vượt kế hoạch vẫn cần phân tích kỹ. Ví dụ như tỷ lệ BHYT đạt 83% nhưng chủ yếu là ở các tỉnh miền núi được hỗ trợ từ ngân sách. Còn các tỉnh, thành phố mà người dân tự nguyện, tự bỏ tiền ra tham gia BHYT thì rất thấp. Hay như đạt được 25 giường bệnh/vạn dân, nhưng chỉ tập trung ở các tuyến trên, còn các tuyến huyện thì cần phải phân tích kỹ để có giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, chúng ta nói là đã đưa 5 bệnh viện Trung ương và tuyến cuối vào hoạt động, nhưng để giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện thì còn rất khó khăn. Theo đại biểu Tuấn, vấn đề là phải có giải pháp để kéo giãn ra ở các tuyến, nhất là nâng cao chất lượng ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trung ương.
Cần đẩy mạnh các lĩnh vực là nội lực của tăng trưởng
Với mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là GDP tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% được đa số các đại biểu đồng tình. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thắng, mục tiêu GDP năm 2018 đặt ra như vậy là hợp lý.
Mặc dù có ý kiến cho rằng, với đà tăng trưởng GDP quý 3/2017 tới mức 7,46% thì mục tiêu của năm 2018 từ 6,5 - 6,7% có thấp không? Tăng trưởng của chúng ta bấy lâu nay phụ thuộc vào vốn ngân hàng nhiều, trong khi ở các nước trên thế giới vốn ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn, vốn lưu động, còn dài hạn chủ yếu là thị trường vốn. Do đó, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao, vốn tín dụng ngân hàng sẽ phải đưa ra nhiều hơn thì lại lo ngại lạm phát. Còn về mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu, ông Thắng cho rằng, vấn đề là tỷ trọng của các DN trong nước đóng góp vào bao nhiêu phần trăm trong con số tăng trưởng xuất khẩu mới là điều quan trọng.
Quan trọng là chất lượng tín dụng
Chỉ tiêu tín dụng Quốc hội không giao mà chỉ là chỉ tiêu định hướng và Chính phủ có thể điều hành tăng 20 - 21%. 9 tháng tín dụng đã tăng 12%, 3 tháng cuối tăng thêm 9% thì sợ lạm phát không? Tôi cho rằng không lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng, điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế chứ không nhất quyết phải tăng theo con số đó. Mặt khác, mức tăng tín dụng 20 - 21% cũng không phải con số quá cao. Trước đây tín dụng tăng 30- 36% và cao điểm nhất như năm 2009 là tăng 53,9% thì giờ chỉ còn chưa đến một nửa.
Tuy vậy, điều Chính phủ đặc biệt chú ý trong điều hành là tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Vừa rồi chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, nhìn chung, dòng tiền đi đúng hướng. (Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ) |