Hàng hóa công có 2 thuộc tính công trong sử dụng, đó là (1) không có tính loại trừ trong tiêu dùng và (2) không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng. Nếu hàng hóa công chỉ có một trong hai thuộc tính được đề cập, được gọi là hàng hóa công không thuần túy. Ngược lại, hàng hóa công có cả hai thuộc tính công được gọi là hàng hóa công thuần túy. Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là đối với quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi theo định hướng thị trường, việc xác định hàng hóa công trong số hàng hóa cung ứng cho xã hội có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức cung ứng và tiêu dùng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hàng hóa công.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là hoạt động cung cấp dịch vụ BHTG. Dịch vụ này là loại hàng hóa mang tính xã hội cao, theo cách phân loại của các nhà kinh tế học như Stiglitz (1986), dịch vụ BHTG thuộc loại hàng hóa công không thuần túy. Cơ sở để gọi dịch vụ BHTG là hàng hóa công không thuần túy căn cứ vào tính không loại trừ thụ hưởng một cách tuyệt đối. Xuất phát từ một trong các mục đích của hoạt động BHTG là góp phần đảm bảo tính ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia, người thụ hưởng dịch vụ BHTG là toàn xã hội. Người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách BHTG như nhận được tiền bảo hiểm khi ngân hàng bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán. Người đi vay sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ BHTG, tính ổn định của hệ thống tài chính giúp cho việc sử dụng tiền vay được an toàn và thuận tiện hơn, từ đó tạo thuận lợi cho các ngành kinh tế khác phát triển v.v.. Như vậy, việc loại trừ tuyệt đối một cá nhân, hoặc một tổ chức trong xã hội ra khỏi sự thụ hưởng lợi ích của dịch vụ BHTG là rất khó khăn và tốn kém. Kinh nghiệm triển khai hoạt động BHTG trên thế giới cho thấy, mức độ thể hiện thuộc tính công của dịch vụ BHTG có thay đổi tùy thuộc vào cách thức tổ chức cung ứng dịch vụ BHTG ở mỗi quốc gia.
Hoạt động BHTG trên thế giới từ buổi đầu manh nha khởi xướng tới nay đã trải qua 187 năm (trong đó giai đoạn 105 năm đầu là thời kỳ thử nghiệm) (FDIC, 1998), được tổ chức triển khai theo ba hình thức: (1) tổ chức có chức năng rộng, giảm thiểu rủi ro về tài chính và ngân hàng, (2) tổ chức có chức năng hẹp, đơn thuần chỉ thực hiện việc chi trả tiền BHTG, và (3) tổ chức có chức năng kết hợp, giao thoa của cả hai hình thức trên. Mức độ phát triển hoạt động ngân hàng, điều kiện kinh tế, chính trị ở mỗi quốc gia có khác nhau nên việc lựa chọn mô hình triển khai chính sách BHTG ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Điều đó có ảnh hưởng nhất định tới mức độ phát huy thuộc tính công của dịch vụ BHTG ở mỗi quốc gia.
Mục tiêu chính sách công của dịch vụ BHTG
Mục tiêu chính sách công khá đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi quốc gia tại thời điểm triển khai hoặc cải tiến chính sách BHTG để quyết định. Nhóm nghiên cứu cho diễn đàn ổn định tài chính (FSF, 2001) xác định có 3 nhóm mục tiêu chính sách công.
Thứ nhất: nhóm mục tiêu góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia, bao gồm các nội dung: giảm thiểu rủi ro rút tiền gửi hàng loạt; tạo ra một cơ chế chính thức xử lý tổ chức huy động tiền gửi bị đổ vỡ; góp phần đảm bảo cho hệ thống thanh toán hoạt động có trật tự và bền vững; và giải quyết khủng hoảng tài chính.
Thứ hai, nhóm mục tiêu bảo vệ người có số tiền gửi nhỏ, có hạn chế nhất định trong tiếp cận thông tin về tổ chức huy động tiền gửi và phân tích hoạt động của tổ chức này.
Thứ ba, nhóm một số mục tiêu khác, bao gồm các nội dung: phân bổ lại chi phí đổ vỡ ngân hàng; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tài chính thông qua việc giảm thiểu rào cản cạnh tranh bất lợi trong huy động tiền gửi; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho ban hành các qui định pháp lý một cách cập nhật, đáp ứng đổi mới và cải cách duy trì ổn định hệ thống tài chính; và tạo điều kiện chuyển đổi từ bảo hiểm vô hạn sang bảo hiểm có giới hạn, tăng cường trách nhiệm và áp dụng nghĩa vụ một cách bình đẳng đối với các loại hình đối tác tham gia giao dịch tài chính.
Mỗi quốc gia trước khi cơ cấu lại hoặc đổi mới hệ thống BHTG hiện có cần xác định mục tiêu chính sách công đạt được và chi phí để đạt các mục tiêu đó trong điều kiện cụ thể (FSF, 2001, tr.15).
Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) đề cập mục tiêu chính sách công của BHTG, bao gồm (1) bảo vệ người gửi tiền và (2) đóng góp cho ổn định hệ thống tài chính quốc gia (IADI, 2014, tr.18). Trong thiết kế hệ thống BHTG, đáp ứng hai nhóm mục tiêu này, cần đảm bảo bốn yêu cầu sau:
1/ Mục tiêu công của chính sách BHTG cần được xác định rõ ràng, công bố rộng rãi cũng như được qui định trong văn bản có hiệu lực và công khai;
2/ Thiết kế hệ thống BHTG cần được tương thích với các mục tiêu công của hệ thống;
3/ Cần có chương trình xem xét, đánh giá để đảm bảo rằng hệ thống BHTG được thiết kế đáp ứng mục tiêu công đề ra;
4/ Nếu có mục tiêu công nào được bổ sung ngoài hai mục tiêu tiên quyết được đề cập, cần đảm bảo mục tiêu bổ sung này không mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và mục tiêu đóng góp vào ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng ở Việt Nam được yêu cầu đảm bảo an toàn và ổn định để phục vụ cho nền kinh tế duy trì mức độ tăng trưởng cao và bền vững trong nhiều năm tới, một số vấn đề sau đây cần được quan tâm nhằm phát huy thuộc tính công và hiệu quả của dịch vụ BHTG.
Thứ nhất, phổ cập một cách đầy đủ bản chất, nội dung, thuộc tính công trong chính sách BHTG để có định hướng phù hợp trong việc hoàn thiện mô hình tổ chức, vai trò, chức năng, nhiệm vụ triển khai chính sách BHTG. Đây là công việc cần được dành ưu tiên nghiên cứu và có phương pháp thực hiện.
Thứ hai, cơ sở pháp lý triển khai chính sách BHTG cần được cụ thể hóa ở mức cao, cho phép Luật BHTG có tính hiệu lực, đảm bảo điều chỉnh kịp thời hoạt động của các đối tác liên quan trực tiếp tới chính sách BHTG, bao gồm người gửi tiền, tổ chức có huy động tiền gửi, cá nhân và tổ chức có giao dịch tài chính với tổ chức tham gia BHTG. Hành vi trục lợi BHTG cần được định danh và kiểm soát ở mức cao. Hơn thế nữa, tính đầy đủ, đồng bộ và tuân thủ các thông lệ và chuẩn quốc tế về hoạt động BHTG cần được thể hiện trong hệ thống văn bản pháp lý triển khai chính sách BHTG, không loại trừ sự cần thiết điều chỉnh Luật BHTG trong thời gian sớm nhất có thể.
Thứ ba, cơ chế phối kết hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ công có liên quan cần được xây dựng chi tiết, khả thi trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc xác định, đánh giá và kiểm soát rủi ro; củng cố tiềm lực tài chính cho tổ chức BHTGVN (qui mô vốn hoạt động, cơ chế xử lý rủi ro khi tiến hành nghiệp vụ BHTG v.v.) và nâng cao năng lực nguồn nhân lực triển khai chính sách BHTG cần được sự quan tâm kịp thời.
Đoàn Ngọc Yến - ĐH Luật Hà Nội
TS. Nguyễn thị Kim Oanh - CNBHTGVNKV Hà Nội
Tài liệu tham khảo
1. Federal Deposit Insurance Corporation (1998), A Brief History of Deposit Insurance in the United States
2. International Association of Deposit Insurers (2014), IADI Core Principles for Effective Deposit Insurance Systems
3. Financial Stability Forum (2001), Guidance for developing effective Deposit Insurance Systems, Background document working group on Deposit Insurance, September
Stiglitz, J. (1986), Economics of the Public Sector, W. W. Norton & Company, Inc., New York, USA