Cơ sở triển khai các gói hỗ trợ tương tự
Việt Nam là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống tại các vùng nông thôn, quá trình công nghiệp hoá đã hình thành nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị và đẩy nhanh quá trình đô thị hoá. Theo thống kê năm 2013, cả nước có 1,79 triệu người di cư, tăng 33% so với trung bình giai đoạn 2004-2009. Lượng di dân tăng nhanh kéo theo nhu cầu cấp thiết về nhà ở và các dịch vụ công cộng khác, đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn và lâu dài. Mặt khác, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như nhà ở, việc làm. Nếu không được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính chính thức sẽ tạo cơ hội cho các vấn đề hụi họ, tín dụng “đen” phát triển, gây mất ổn định xã hội. Chính vì vậy, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn chính thức sẽ giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, an tâm lập nghiệp và cống hiến cho đất nước.
Phát triển kinh tế trước hết phải ổn định xã hội và các quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện các gói hỗ trợ tương tự với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: tại Trung Quốc, chương trình hỗ trợ nhà ở được thiết kế để khuyến khích các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp mua nhà. Năm 1998, Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra chương trình mua nhà với giá chỉ bằng 50-70% giá thị trường với các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tại Anh, Chính phủ đứng ra xây dựng nhà xã hội cho thuê và thực hiện các chương trình như chia sẻ quyền sở hữu nhà hay cung cấp các khu vực được hoạch định xây dựng nhà ở cho dân cư với bảng giá thấp. Tại Úc, chương trình an sinh xã hội trợ cấp trực tiếp tiền thuê nhà cho người dân, căn cứ vào số tiền thuê và số người phụ thuộc. Ngoài ra, mọi công dân có quốc tịch Úc khi mua nhà lần đầu sẽ được hưởng khoản trợ cấp là 7000 AUD.
Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng ra đời trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ xây dựng đã ban hành các văn bản quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn và hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Tính đến ngày 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, giải ngân theo tiến độ đạt 25.800 tỷ đồng.
Gói tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cho người có thu nhập thấp có nhà ở, tạo điều kiện để ổn định và cải thiện đời sống, đặc biệt là các bạn trẻ mới lập nghiệp. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, gói tín dụng cũng góp phần hỗ trợ cho mảng nhà ở xã hội trở nên sôi động, kéo theo sự hồi phục của các phân khúc thị trường khác, đồng thời “kích hoạt” cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia nhiều hơn vào thị trường nhà ở xã hội. Đối với riêng ngành ngân hàng, gói hỗ trợ đã giúp khích lệ hoạt động tài chính vi mô chính thức, từ đó giảm tín dụng phi chính thức, hụi họ, tín dụng đen, tăng cường an sinh xã hội, chính sách ngân hàng gắn bó hơn với đời sống của người dân.
|
Chính phủ Mỹ trợ cấp cho người dân mua nhà thông qua biện pháp hỗ trợ tài chính như: cắt giảm lãi suất cho vay bất động sản, chương trình hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Vào những năm thập niêm 1970, chính quyền Liên bang áp dụng chương trình giảm thuế cho các hộ gia đình thu nhập thấp có sở hữu nhà. Có thể chia thành 3 hình thức trợ cấp chính: trợ cấp cho từng hộ gia đình, trợ cấp cho các dự án nhà được dùng để cho thuê và trợ cấp để xây dựng các nhà xã hội (public house) do Chính phủ vận hành.
Tại Việt Nam, thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng là thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc cùng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu ổn định, an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, mô hình các doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang phát triển nhanh chóng, tiêu biểu là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bình Mỹ…); doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm sạch (Trang trại hữu cơ Tôi tự nhiên I-Nature, Doanh nghiệp xã hội sản phẩm sạch OXI…); doanh nghiệp bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống… Mặt khác, nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thị trường cũng đang từng bước được cải thiện, thể hiện qua việc tham gia các chương trình, hoạt động xã hội hoặc trích một phần lợi nhuận để chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
Quá trình thực hiện gói 30 nghìn tỷ cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản, tiêu biểu là doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, trực thuộc công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh, tham gia rất tích cực vào chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp thông qua việc lập mới hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, giảm giá bán và hỗ trợ người mua trong việc hoàn thành thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách hỗ trợ cũng như sự công nhận chính thức về phía nhà nước đối với các doanh nghiệp như trên còn hạn chế. Vì vậy, đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác chia sẻ gánh nặng, giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu xã hội từ đó đề ra các chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề xã hội không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ hay các DNXH mà cần sự chung tay góp sức của tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội, trong đó có ngành Ngân hàng - kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Mặt khác, việc Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng như gói 30 nghìn tỷ là một hình thức điều tiết, phân phối lại thu nhập trong xã hội bằng cách sử dụng một phần vốn huy động nhàn rỗi trong dân cư để thực hiện mục tiêu an sinh. Đối với các ngân hàng, tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng giúp điều hòa, cân bằng giữa mục tiêu về lợi nhuận với trách nhiệm xã hội, đồng thời tăng cường uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu trên thị trường và về dài hạn sẽ giúp gia tăng lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ, tiếp cận sâu rộng hơn với hệ thống tài chính vi mô chính thức, hạn chế tín dụng phi chính thức phục vụ cho việc thúc đẩy tăng trưởng lâu dài và bền vững.
Hàm ý chính sách
Thời hạn thực hiện gói 30 nghìn tỷ đồng đã kết thúc. Tuy nhiên, chính sách tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng như chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp nói chung không nên chỉ mang tính “thời vụ” mà cần được xây dựng thành chiến lược lâu dài, gắn liền với quá trình phát triển của nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai gói hỗ trợ trong 3 năm qua, những chính sách, gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo cần tạo ra các quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hưởng lợi dễ dàng tiếp cận được với chính sách ưu đãi của nhà nước. Trên cơ sở đó, để tạo điều kiện cho tín dụng ưu đãi tiếp tục đi vào đời sống, trong thời gian tới Chính phủ nên xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng quy mô của gói hỗ trợ. Thực tế triển khai gói 30 nghìn tỷ cho thấy nhu cầu của người dân về các gói hỗ trợ tín dụng tương tự vẫn còn rất lớn trong khi nguồn lực của các ngân hàng hiện nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện. Mặt khác, vì giá trị nhân văn và an sinh của chính sách; Chính phủ có thể kêu gọi huy động từ dân cư để đáp ứng nguồn vốn phục vụ việc triển khai các gói hỗ trợ tương tự.
Thứ hai, mở rộng đối tượng hưởng lợi cả về quy mô và thành phần. Theo quy định, đối tượng của gói 30 nghìn tỷ là người thu nhập thấp, tuy nhiên trên thực tế, để đáp ứng được yêu cầu cho vay của các ngân hàng, người đi vay phải có thu nhập ổn định từ trung bình trở lên. Như vậy, một số lượng lớn đối tượng mục tiêu của chính sách vẫn chưa tiếp cận được với các khoản vay. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng hưởng lợi giúp tăng cơ hội tiếp cận chính sách cho những người dân có nhu cầu thực sự. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng của chính sách phải đảm bảo khích lệ cả người vay và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sử dụng khoản vay, tương tự như với trường hợp nhà ở xã hội vừa đáp ứng được nhu cầu của người đi vay cũng là người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, thực hiện các gói hỗ trợ với thời gian lâu dài và cam kết lãi suất ưu đãi được duy trì ổn định. Đây là điều kiện để người đi vay yên tâm trong việc sử dụng khoản vay và chủ động trong trả nợ.
Thứ tư, khích lệ số lượng lớn các ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ và coi đây như một tín hiệu cạnh tranh của các ngân hàng. Việc tham gia các chính sách hỗ trợ như trên không chỉ mang đến lợi nhuận cho các ngân hàng mà ích lợi thu được nhiều hơn là giá trị về uy tín, hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trên thị trường. Mặt khác, để thực hiện gói hỗ trợ, các ngân hàng cũng cần đáp ứng các yêu cầu nhất định về vốn, quản lý và quản trị rủi ro. Tham gia vào các gói hỗ trợ đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tự nâng cao năng lực về mọi mặt, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cuối cùng, để chính sách có tính lan tỏa và thực sự hỗ trợ đối tượng nhu cầu, công tác tuyên truyền cần được quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý hay ban hành chính sách mà cần sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm giúp người dân, đặc biệt là đối tượng trực tiếp hưởng lợi hiểu biết và nắm rõ các quy định về quy trình, thủ tục, yêu cầu cũng như thời hạn thi hành để tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng, hạn chế hiện hượng cò mồi, lách luật nhằm trục lợi từ chính sách.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Ths. Nguyễn Thị Ngọc Loan - Ths. Đào Xuân Sơn
Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu
2. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2013
3. Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 7/01/2013 của Chính phủ quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo nghị quyết số 02/NQ-CP
5. http://thoibaonganhang.vn/he-thong-ngan-hang-thuc-hien-nghiem-tuc-goi-ho-tro-30-nghin-ty-46496.html
8. http://bnews.vn/ngan-hang-nha-nuoc-gia-han-giai-ngan-goi-30-nghin-ty-dong/16775.html