Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế và là nhân tố thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững theo chủ trương của Chính phủ. NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách cho vay khuyến khích phát triển công nghệ cao.
Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Một số nội dung chính của Quyết định như sau:
- Đối tượng vay vốn bao gồm: pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất – kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Lãi suất cho vay: cho vay ngắn, trung và dài hạn bằng VNĐ đối với khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM.
- Nguồn vốn cho vay do các NHTM cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện.
- Tài sản bảo đảm cho khoản vay: NHTM và khách hàng thỏa thuận việc áp dụng/không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
- Về các biện pháp khuyến khích khác: khách hàng khó khăn trong việc trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được NHTM chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 01 lần, cho vay mới nếu khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ngoài ra, căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, NHTM xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau.
- Khách hàng là đối tượng vay theo chương trình này nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng phục phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ thì còn được hưởng các chính sách theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ như được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định, được hưởng cơ chế xử lý nợ khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong thời gian gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 05/2017 đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bình quân trong 7 năm (2010 – 2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã có hiệu quả thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, rau xuất khẩu, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cam kết gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn gặp khó khăn do đây là hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án; thiếu thị trường tiêu thụ ổn định; chưa đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chưa có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Để chương trình đạt được hiệu quả, ngoài nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong việc đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.