Hoạt động TCVM với phát triển kinh tế nông thôn mới
Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hoạt động tài chính vi mô là việc cung cấp một phạm vi rộng các dịch vụ tài chính như tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền cho người nghèo hoặc các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho những hoạt động kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp rất nhỏ.
Tại Việt Nam, chương trình TCVM được triển khai từ năm 1987, nhằm mục tiêu hỗ trợ vốn cho người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ để phục vụ phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Trên thực tế, người nghèo và người có thu nhập thấp thường là đối tượng chậm được hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính hay sự phát triển của kinh tế nhưng lại dễ bị tổn thương khi tình hình kinh tế bất ổn. Thiếu vốn, khó khăn về tài chính buộc nhiều người nghèo phải đi vay theo hình thức tín dụng đen với lãi suất cao và bản thân các ngân hàng cũng không mặn mà với các khoản cho vay nhỏ lẻ, thời gian ngắn, chi phí cao nhưng tạo ra ít lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, TCVM với việc cung cấp các dịch vụ tài chính nhỏ phù hợp với năng lực của người nghèo, chủ yếu là các khoản vay nhỏ không yêu cầu tài sản thế chấp mà chỉ cần tín chấp bằng hình thức vay vốn bảo lãnh đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân. Theo kết quả khảo sát mới đây của Nhóm nghiên cứu TCVM Việt Nam, có tới 90% đối tượng khảo sát bày tỏ sự hài lòng khi vay vốn tại các tổ chức TCVM vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu bản thân họ; 95,30% người được hỏi nói rằng muốn được vay vốn từ tổ chức này. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu rất lớn của nhiều người nghèo từ nguồn vốn vay của các tổ chức TCVM.
Tại các khu vực nông thôn, tổ chức TCVM giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Về khía cạnh kinh tế, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính, các tổ chức TCVM thực hiện chức năng huy động tiết kiệm, tái phân bổ tiết kiệm cho đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và hàng hóa dịch vụ, trở thành công cụ đắc lực để giảm nghèo đói và tăng thu nhập. Về khía cạnh xã hội, các tổ chức TCVM tạo ra cơ hội cho người dân ở nông thôn – nhất là người nghèo/người thu nhập thấp – tiếp cận được với dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực xã hội và là động lực khuyến khích họ tham gia vào cuộc sống cộng đồng.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), mô hình tổ chức TCVM được công nhận là một loại hình TCTD trong hệ thống các TCTD . Có thể nói, việc các tổ chức TCVM được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật Các TCTD là một bước tiến quan trọng đối với lĩnh vực TCVM. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định mô hình tổ chức này, đồng thời góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Đến nay, đã có 03 tổ chức TCVM chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp Giấy phép hoạt động theo Luật Các TCTD: Tổ chức TCVM TNHH M7 (M7MFI) năm 2012; Tổ chức TCVM TNHH một thành viên Tình thương (TYM) năm 2013 và Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa năm 2014.
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay, hoạt động tài chính ngân hàng có nhiều biến động, mặc dù nhiều TCTD làm ăn thua lỗ, nợ quá hạn cao, thậm chí một số tổ chức bị sáp nhập, mua lại nhưng 02 tổ chức là TYM và M7-MFI đều có kết quả tài chính khả quan với tỷ lệ nợ xấu gần như bằng không. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, cả 02 tổ chức này đều chưa đạt được mức độ bền vững tài chính bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu vốn trước nhu cầu vay ngày càng gia tăng của khách hàng. Nếu như trước đây, vốn tài trợ được cung cấp bới các Tổ chức phi chính phủ quốc được xem như là cứu cánh thì nay hầu như đã không còn. Việc các tổ chức TCVM tự đi vay tại các NHTM gần như không có do uy tín và năng lực tài chính không đủ hấp dẫn các NHTM.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, các nhà nghiên cứu về TCVM Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp, trong đó có xây dựng dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của các tổ chức TCVM, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mô hình TCVM và tạo điều kiện về nguồn vốn cho hoạt động TCVM phát triển.
Chính sách BHTG với hoạt động TCVM
Sau khi Luật Các TCTD chính thức công nhận tổ chức TCVM là một trong các loại hình TCTD, Luật BHTG và Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG cũng quy định rõ “Tổ chức TCVM phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM”. Đến nay, cả 03 tổ chức TCVM chính thức đã được BHTGVN cấp Chứng nhận BHTG. Như vậy, giống như các TCTD khác, quyền lợi của người gửi tiền tại các Tổ chức TCVM này đều được bảo vệ như nhau. Với mục tiêu cốt lõi trong chính sách BHTG: bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, những đối tượng bị hạn chế trong tiếp cận thông tin nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng, niềm tin của người gửi tiền đối với tổ chức TCVM sẽ được nâng lên, giúp tổ chức này có thêm lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp sản phẩm tiết kiệm thuận lợi để huy động và mở rộng quy mô nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc chính thức tham gia BHTG cũng sẽ hỗ trợ cho tổ chức TCVM trong công tác tuyên truyền, vận động để tổ chức, cá nhân hiểu biết thêm về hoạt động hỗ trợ người nghèo. Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu TCVM Việt Nam cho thấy, nhận thức về hỗ trợ giảm nghèo còn chưa được phân biệt rõ ràng với các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, từ thiện. Do đó, nếu các tổ chức, cá nhân hiểu hơn về TCVM thì sẽ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.
Cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có liên quan, việc thúc đẩy triển khai chính sách BHTG đối với hoạt động của các tổ chức TCVM là nhân tố quan trọng góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tài liệu tham khảo:
- http://finance.tvsi.com.vn/News Tools/Print.aspx?newsid=348636;
- Thạc sỹ Phan Thị Hồng Thảo - Phát triển các tổ chức TCVM góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững (Tạp chí Thị trường – Tài chính – Tiền tệ số 14.7.2014);
- Một số tài liệu tham khảo khác.