Ngay từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 18% gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng
Những tháng đầu năm 2017, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng (Quyết định 1335/QĐ-NHNN) thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD.
Các TCTD cũng tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục được quyết định cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước thực hiện phương án SXKD hàng xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2017.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong sản xuất, kinh doanh, NHNN đã thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng xem xét và cam kết mở rộng tín dụng đối với DNNVV với các văn bản như: Công văn số 62/NHNN-TD ngày 04/01/2017 chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình cho vay DNNVV, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với DNNVV trên địa bàn; Phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội tại địa phương xử lý các vướng mắc phát sinh có liên quan đến ngành ngân hàng trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV; đặc biệt là chính sách cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, chính sách hỗ trợ DNNVV thông qua Quỹ Phát triển DNNVV để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố, NHNN triển khai thực hiện các chính sách này tại địa phương.
NHNN cũng ban hành văn bản số 2178/NHNN-TD ngày 30/3/2017 chỉ đạo: (i) Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cân đối đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (ii) Yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai các chương trình, dự án kinh tế của địa phương gắn với đầu tư tín dụng ngân hàng, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2017.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối – ngân hàng doanh nghiệp. Theo đó, trong những tháng đầu năm 2017, toàn ngành Ngân hàng đã tổ chức được hơn 130 buổi Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền cam kết cho vay mới theo Chương trình đạt gần 300 ngàn tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt gần 200 ngàn tỷ đồng cho hơn 20.000 khách hàng doanh nghiệp; số tiền gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là hơn 16.000 tỷ đồng cho hơn 500 doanh nghiệp. Ngoài ra các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí ... cho gần 400 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là 8.700 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm 2017, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng, sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các DNNVV thông qua các Quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực tài chính doanh nghiệp: (i) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV; tháo gỡ khó khăn; nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ phát triển DNNVV; (ii) Phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, rà soát lại chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 425/TB-VPCP ngày 22/12/2016.
Tín dụng tiếp tục tập trung cho sản xuất kinh doanh
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 26/7/2017, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng 9,16% so với cuối năm 2016, đây là mức cao nhất so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tín dụng tăng 8,54%, cùng kỳ năm 2015 tăng 7,86%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất kinh doanh, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể: Tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến cuối tháng 7/2017 ước tăng khoảng 14,5% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại, đến cuối tháng 5/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,09% và chiếm tỷ trọng 3,48%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 21,33% và chiếm tỷ trọng 0,58; Tín dụng đối với công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 7,49% và chiếm tỷ trọng 2,56%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 4,55% và chiếm tỷ trọng 21,3%. Các lĩnh vực không trực tiếp sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng dư nợ chung đối với nền kinh tế và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, hầu hết các TCTD đều có chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này, cụ thể như: (i) TPBank dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9% dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; (ii) Ngân hàng Bản Việt triển khai chương trình “Kết nối Ngân hàng Bản Việt – SMEs” với nguồn vốn 600 tỷ đồng, với tỷ lệ cho vay lên đến 80%, hồ sơ thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng; (iii) Ngân hàng TMCP Đông Nam Á tiếp tục triển khai các chương trình về cam kết thu xếp vốn có điều kiện cho DNNVV, các chính sách bảo lãnh cho DNNVV; (iv) Ngân hàng TMCP An Bình triển khai Chương trình SME Top Up là sản phẩm cho vay không có tài sản bảo đảm dành cho DNNVV với số tiền lên đến 03 tỷ đồng, thời hạn tối đa 36 tháng hay Gói SME Biz Loan cung cấp cho DNNVV khoản tín dụng với tỷ lệ tài trợ lên đến 100% giá trị TSBĐ là bất động sản hoặc tối đa lên đến 20 tỷ đồng, thời hạn tối đa 120 tháng; (v) LienvietPost Bank triển khai chương trình dành cho khách hàng pháp nhân vừa và nhỏ với thời hạn cho vay trung và dài hạn tối đa không quá 10 năm, ân hạn 02 năm với số tiền vay tối đa 85% tổng chi phí hợp lệ của dự án; (vi) Vietinbank triển khai Chương trình doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi tối đa là 7 năm, mức vốn vay lên đến 200 tỷ đồng; (vii) Ngân hàng TMCP Quân Đội triển khai sản phẩm tài trợ kinh doanh dành cho DNNVV nhằm bổ sung vốn lưu động với giá trị tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả tăng trưởng tín dụng hiện nay đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo đáp ứng vốn cho nền kinh tế, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu.
Vì vậy, có thể khẳng định tình hình tín dụng đối với nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2017 đã có xu hướng theo đúng định hướng của NHNN và các TCTD đã thực hiện nghiêm chỉ đạo là tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên (gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); Triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, cho vay nhà ở xã hội, cà phê,..; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông; cho vay đối với các nhu cầu phục vụ đời sống, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung dài hạn.
Mới đây, tại thông báo kết luận của cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21%, qua đó góp phần phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.