NHNN mới đây đã chính thức yêu cầu các TCTD dừng thực hiện việc cho vay mới trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn. Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ khiến cho dòng tiền chảy ra nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Bởi các NHTM sẽ quản lý chặt hơn đối với hoạt động cấp hạn mức tín dụng cho DN theo thời kỳ. Đồng thời việc giải ngân vốn vay theo chu kỳ sản xuất – kinh doanh cũng sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, phân tích một cách tổng thể, việc “siết” lại hoạt động cho vay đảo nợ và cho vay tuần hoàn có thể xem là một chính sách điều hành tín dụng thận trọng. Bởi việc triển khai những quy định mới có thể sẽ khiến DN một số ngành nghề phải chật vật hơn khi cân đối giữa trả nợ cũ và vay nợ mới. Nhưng về dài hạn sẽ mang lại sự minh bạch trong việc nhận diện vùng nợ xấu cũng như đánh giá chính xác hơn đối với hoạt động phân loại tài sản, áp dụng mức trích lập dự phòng cho các TCTD.
Vẫn cấp hạn mức cho DN
Theo phân tích của một giám đốc chi nhánh Techcombank (trụ sở tại TP.HCM), căn cứ vào Công văn 6960 của NHNN thì hoạt động cấp hạn mức tín dụng từng thời kỳ (nửa năm hoặc 1 năm tài chính) cho DN vẫn được các NHTM thực hiện. Vị này cho rằng, yêu cầu chính của NHNN trong văn bản chỉ đạo lần này là tập trung vào việc ngưng cho vay mới trả nợ trước hạn, tức là cho vay đảo nợ.
Chính vì vậy, việc ngưng cho vay mới trả nợ trước hạn là hợp lý để tránh tình trạng che giấu nợ xấu và xoay vốn lòng vòng trong các DN và NHTM. Tránh trường hợp DN vay NH này trả NH khác mà vốn thực không đi vào sản xuất kinh doanh.Thực tế, nhiều năm nay hoạt động cho vay đảo nợ diễn ra khá phổ biến. DN vay 100 đồng phải trả lãi 7 đồng, nhưng đến kỳ trả nợ lại vay thêm 7 đồng nữa, gây ra tình trạng “lãi đập gốc” khiến cho các báo cáo tăng trưởng tín dụng của NH trên bút toán thì có tăng lên nhưng trên thực tế dòng tiền không đổi.
Riêng về yêu cầu ngưng cho vay tuần hoàn, vị giám đốc trên cho rằng, từ tháng 9/2014 NHNN đã có văn bản (Công văn 7059/NHNN-TTGSNH) chỉ đạo các NHTM ngưng cho vay theo hình thức này. Do vậy mức độ ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng giữa các NHTM và các DN khách hàng về cơ bản không có sự xáo trộn.
Các NHTM nếu thực hiện thu toàn bộ nợ gốc và lãi khi đến hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng vay, đồng thời không cho vay tuần hoàn toàn bộ hoặc một phần nợ gốc là vẫn có thể cấp hạn mức theo từng năm cho DN. Do vậy, lo ngại về việc ngưng cấp hạn mức tín dụng là chưa cần thiết. “Các DN đang vay theo hạn mức vẫn được giải ngân bình thường theo nhu cầu. Các hồ sơ xét duyệt cấp hạn mức tín dụng cho DN đang tiến hành vẫn được NH thực hiện” - vị giám đốc này cho biết.
Cho vay theo chuỗi không ảnh hưởng
Trả lời Thời báo Ngân hàng về việc thực hiện Công văn 6960 của NHNN liệu có ảnh hưởng đến hoạt động giải ngân vốn theo Chương trình thí điểm cho vay theo Nghị quyết 14 hay không, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tạm thời hoạt động cho vay theo chuỗi vẫn được thực hiện bình thường, các DN đã tham gia ký kết vay vốn theo chương trình thí điểm vẫn được các NHTM cung ứng vốn đều đặn theo chu kỳ, giai đoạn sản xuất kinh doanh.
Sau hai năm thực hiện chương trình, các NHTM đã giải ngân vượt hơn 1.300 tỷ đồng (đạt 6.937 tỷ đồng) so với số vốn cam kết ban đầu. Như vậy, ở đây có sự “xâm lấn” về hạn mức tín dụng. Bản thân các DN có dự án được duyệt vay theo chương trình thí điểm vốn là các DN có tình hình tài chính tốt, đã được các NHTM cấp cho hạn mức tín dụng cả năm. Khi vay theo hạn mức tín dụng họ phải có tài sản thế chấp, nhưng khi vay theo hợp đồng của chương trình thí điểm thì họ được ưu đãi tỷ lệ tín chấp lên tới 90% số vốn vay. Thực tế là họ được vay nhiều hơn trong khi giá trị tài sản thế chấp không đổi.Thực tế, đến thời điểm cuối năm 2015, thực hiện theo Chương trình thí điểm cho vay phát triển nông nghiệp (theo Nghị quyết 14 của Chính phủ và Quyết định 1050/2014 của NHNN), các NHTM trên địa bàn cả nước đã cam kết cho vay đối với 31 dự án, với tổng trị giá trên 5.600 tỷ đồng.
Ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp cho rằng, chính điều này khiến cho các NHTM đánh đồng tất cả các khoản vay của DN mà không phân biệt khoản vay nào là nằm trong chương trình cho vay thí điểm, khoản vay nào là vay theo hạn mức bình thường. Việc giải ngân vượt 1.300 tỷ đồng đối với cam kết của chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14 vì thế tiềm ẩn rủi ro cho phía NH khi lượng tài sản đảm bảo của DN không tương ứng với số vốn được giải ngân.
Nhận thức được thực tế này, ông Nguyễn Văn Quế cho rằng, trước mắt ở góc độ địa phương, NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM ngưng ngay hoạt động cho vay mới để trả nợ trước hạn. Đối với các DN có tham gia vay vốn theo chương trình thí điểm và cả các DN đang vay theo hạn mức tín dụng bình thường, NHNN sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ các khoản vay để lọc ra những khoản vay đảo nợ, vay chuyển vốn lòng vòng trong các công ty con và công ty liên kết. Từ đó đánh giá đúng mức độ tăng trưởng tín dụng của các NH, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng hạn mức tín dụng để đảo vòng vốn mà không mang lại hiệu quả kinh tế.