Theo Nguyên tắc 9 - Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) ban hành năm 2014, sau khi lập quỹ BHTG theo nguyên tắc cấp vốn trước, cần phải xác định rõ ràng, nhất quán, minh bạch quy mô quỹ mục tiêu, khung thời gian để đạt được quỹ mục tiêu và thực hiện đánh giá định kỳ. Đồng thời, theo kết quả khảo sát của IADI năm 2014, có 56/98 (57%) tổ chức BHTG trên thế giới có quỹ mục tiêu. Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc xác định quỹ mục tiêu đối với tổ chức BHTG.
Tỷ lệ quỹ mục tiêu đóng vai trò phân định mức đầy đủ hoặc thiếu hụt của quỹ, từ đó tạo cơ sở cho các nhà quản lý đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp hay thực hiện điều chỉnh theo từng thời kỳ. Ngoài ra, quỹ BHTG đủ lớn giúp tổ chức BHTG nâng cao năng lực tài chính, từ đó có thể chủ động triển khai các hoạt động nghiệp vụ như tiếp nhận xử lý, chi trả BHTG trong trường hợp xảy ra sự cố ngân hàng.
Việc xác định quỹ mục tiêu cần dựa trên các dữ liệu liên quan và có sẵn, tiêu chí rõ ràng và minh bạch với phương pháp hợp lý và an toàn. Tùy thuộc vào đặc thù mỗi quốc gia, mô hình BHTG và hệ thống tài chính của quốc gia đó để lựa chọn phương pháp xác định mức độ cần đạt của quỹ.
Khi xác định quỹ mục tiêu, có thể dựa vào phán đoán chủ quan, căn cứ vào tiêu chuẩn, dữ liệu hay kinh nghiệm sẵn có hoặc có thể phức tạp hơn như ước lượng bằng mô hình thống kê định lượng. Cụ thể, các phương pháp được sử dụng phổ biến là: phương pháp cơ bản, phương pháp dựa trên dữ liệu quá khứ, phương pháp tham chiếu từ tổ chức BHTG khác và phương pháp dựa trên rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG.
Phương pháp |
Cách thức |
Tổ chức BHTG áp dụng |
Cơ bản |
Quỹ đảm bảo chi trả 2 ngân hàng quy mô trung bình |
Đài Loan |
Dựa trên dữ liệu |
Ước tính quỹ mục tiêu từ số liệu, kinh nghiệm chi trả trong quá khứ |
Nhật Bản |
Tham chiếu từ |
Tham chiếu từ các nước có quy mô nền kinh tế tương đồng |
Argentina, Bulgaria, Kazakhstan, Jordan |
Dựa trên rủi ro của các |
Ước lượng giá trị tổn thất (VaR) với mức độ tin tưởng xác định trong một khoảng thời gian nhất định (VaR chính là số lượng vốn cần thiết để có thể đảm bảo bù đắp được cho các thiệt hại khi rủi ro xảy ra) |
Canada, Nga, Mỹ |
Tuy nhiên, tỷ lệ quỹ mục tiêu có sự khác biệt khá lớn ở các quốc gia trên thế giới. Sở dĩ có sự khác biệt đó là do một số nguyên nhân, cụ thể: sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế, mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức BHTG, chất lượng của các tổ chức tham gia BHTG và mức độ rủi ro của hệ thống tài chính ngân hàng tại mỗi quốc gia.
Tỷ lệ Quỹ mục tiêu của một số quốc gia
Quốc gia |
Tỷ lệ quỹ mục tiêu |
Argentina |
0,5% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Brazil |
2% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Canada |
1% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Hong Kong |
0,25% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Indonesia |
2,5% tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm |
Jamaica |
8 - 10% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Jordan |
3.00% tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm |
Kazakhstan |
5% tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm |
Malaysia |
0,6% - 0,9% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Philippines |
5% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Singapore |
0,3% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Taiwan |
2% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
USA |
2% tiền gửi được bảo hiểm trong hạn mức |
Nguồn: Kết quả khảo sát của Tổng công ty BHTG Malaysia năm 2013
Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Hiện nay, quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chỉ tương đương 0,6% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính của tổ chức BHTG theo thông lệ quốc tế (các quốc gia có trình độ phát triển và tỷ lệ rủi ro tương đương như Việt Nam xác định quy mô vốn tối thiểu của tổ chức BHTG là mức 3% - 5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) và chưa thể đảm bảo mức độ đủ nguồn vốn cho hệ thống BHTG, đặc biệt khi cần phục vụ mục đích chi trả BHTG cho người gửi tiền nếu có sự cố đổ vỡ ngân hàng xảy ra.
Mặc dù quy mô quỹ BHTG không thể đủ lớn để giải quyết khủng hoảng mang tính chất hệ thống, nhưng việc xây dựng tỷ lệ quỹ mục tiêu chính thức và triển khai các biện pháp đạt được quỹ mục tiêu là yếu tố quan trọng; đảm bảo cho BHTGVN chủ động giải quyết các tổ chức tín dụng đơn lẻ “có vấn đề”, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quản lý khác nhằm ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng hệ thống tài chính.
Ngoài ra, lập quỹ mục tiêu liên quan chặt chẽ đến năng lực dự báo khả năng đổ vỡ ngân hàng và tổn thất có thể xảy cũng như năng lực dự báo thu nhập của quỹ BHTG. Do đó, việc chưa lập quỹ mục tiêu sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chi trả BHTG khi có sự cố ngân hàng xảy ra, năng lực tài chính của tổ chức BHTG cũng không thể dự báo hay bổ sung nguồn vốn thiếu hụt để phục vụ mục tiêu chính sách công là duy trì niềm tin người gửi tiền và ổn định hệ thống.
Để đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của quỹ BHTG và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN, cần cân nhắc nghiên cứu tỷ lệ quỹ mục tiêu phù hợp theo các phương pháp đã được khuyến nghị và các giải pháp về nguồn vốn hình thành nhằm nâng cao quy mô quỹ. Từ đó đề xuất ban hành quy định về quỹ mục tiêu và thẩm quyền của tổ chức BHTG trong việc duy trì hoặc khôi phục quỹ mục tiêu trong trường hợp thiếu hụt.
Phòng NCTH & HTQT
Tài liệu tham khảo:
- Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI phiên bản tháng 06/2009 và phiên bản tháng 11/2014
- Kết quả khảo sát của Tổng công ty BHTG Malaysia năm 2013