Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh
Về điều hành tín dụng, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Đối với tín dụng ngoại tệ, NHNN cho phép các TCTD được quyết định cho vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu cần được hỗ trợ đến hết năm 2017; đồng thời xem xét xử lý các đề nghị của TCTD về việc cho vay bằng ngoại tệ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ngoại tệ được vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ, mà không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù, như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn,...
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 30/11/2017 tăng 15,68% so với cuối năm trước, cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng hiện nay phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, hỗ trợ tích cực đối với tăng trưởng nhưng không quá cao để tạo ra áp lực lạm phát và rủi ro cho nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10/2017 tăng 19,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,38%); Dư nợ 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 10/2017: Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 11,31% (cùng kỳ năm 2016 giảm 2,24%); Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,34% (cùng kỳ năm 2016 giảm 2,02%); Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 21,58% (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,18%); Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9,41% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,58%).
Mặt bằng lãi suất chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011
Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 11 tháng đầu năm 2017, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp thông qua đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD để TCTD có đủ nguồn vốn cho vay nền kinh tế, nhờ đó giúp ổn định lãi suất trên thị trường 2 (lãi suất các TCTD vay mượn lẫn nhau) luôn duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn vay của các TCTD; đồng thời NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành qua đó hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn cho các khách hàng thuộc 5 nhóm đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ, nhờ đó kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vị thế VND được nâng cao, tỷ giá ổn định; tạo nền tảng cơ bản để ổn định mặt bằng lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay.
Ổn định tỷ giá – Tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp
Trong công tác điều hành tỷ giá, NHNN luôn thận trọng do những thay đổi của tỷ giá có thể gây các tác động khác nhau đến nhiều mặt của nền kinh tế như lạm phát, sự ổn định kinh tế vĩ mô, vay và trả nợ nước ngoài, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu.
Mặc dù có những biến động trên thị trường quốc tế, nhưng với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực. Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt, giúp cho các doanh nghiệp có một môi trường ổn định, chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay (khoảng 47 tỷ đôla); đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đôla hóa.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong năm 2017, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tỷ giá diễn biến cơ bản ổn định so với cuối năm 2016.
Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn
Thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đặc biệt là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD. Các TCTD cũng tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...). Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%. Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...
Đặc biệt, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.
Những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai cho thấy ngành Ngân hàng luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Ổn định hệ thống và đảm bảo quyền lợi người gửi tiền
Về kết quả tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, kết quả quan trọng nhất là sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững, đồng thời đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD (2016-2020), Phó Thống đốc khẳng định, những thuận lợi về mặt pháp lý sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Cụ thể, ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ sở pháp lý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm cho hệ thống các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Mặt khác, để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, ngày 20/11/2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018. Đây được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Có thể nói, trong suốt quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2, một trong những nguyên tắc và quan điểm xuyên suốt là phải đảm bảo được sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD; đồng thời đảm bảo được quyền lợi người gửi tiền. Những người gửi tiền tại TCTD Nhà nước hay TCTD cổ phần và các qũy tín dụng nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp sẽ được đảm bảo. Đây cũng là quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD”.
Những kết quả tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2017 đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ngày 31/10/2017, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; đây là lần thứ hai nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây.
Việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Bên cạnh đó, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam theo công bố của WB tại Báo cáo Doing Business 2017 đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc so với năm 2017.
Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2017, ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “Năm 2017 là một thành công của Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng”.