Thực chất là yêu cầu bức thiết
“Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp” - đó là điểm nhấn mạnh được cơ quan điều hành đưa ra tại văn bản số 563/NHNN-TTGSNH ngay trong những ngày đầu năm 2018 yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Nhìn lại những năm gần đây có thể thấy NHNN luôn có chỉ đạo sát sao ngay từ đầu năm đối với các TCTD đối với vấn đề cung tín dụng. NHNN yêu cầu NHTM mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc đặt trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (TTTD) hợp lý đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận vốn NH là mục tiêu xuyên suốt của NHNN.
Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thì việc tổ chức điều hành tốt chính sách tín dụng bằng những cơ chế cụ thể đã hướng nguồn tín dụng vào những lĩnh vực có tính thanh khoản cao, có điều kiện hỗ trợ cho DN khai thác cơ hội thị trường… Bên cạnh nỗ lực của từng DN cũng như điều hành chính sách ở các lĩnh vực khác của Chính phủ thì tín dụng đóng vai trò rất quan trọng.
Năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát TTTD hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tín dụng. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận: Về mặt con số, tôi cho rằng NHNN sẽ đạt được chỉ tiêu đặt ra trong năm 2018 là TTTD ở mức 17%. Đây là con số thấp hơn TTTD của năm 2017 (18,17%), nhưng có lẽ nhà điều hành cũng đã nhận thấy không nên chỉ chạy theo số lượng, phấn đấu chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước mà quan trọng nhất là tăng thực chất.
Nếu tín dụng được đẩy vào hợp lý, không cần tăng tốc nhiều mà vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế thì sẽ góp phần đóng góp trong việc ổn định nền kinh tế. Ngược lại nếu tín dụng tăng ồ ạt, không vào sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng. Do đó vấn đề kiểm soát để TTTD thực chất, đi vào đúng địa chỉ, sử dụng tiền đúng mục đích rất quan trọng.
Gạn đục khơi trong
Như đã đề cập, năm 2018 NHNN tiếp tục có sự kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). NHNN tiếp tục có nhiều động thái để siết chặt tín dụng đổ vào BĐS. Một trong những quy định có tác động rõ nét đến tín dụng cho lĩnh vực này là Thông tư 36. Theo lộ trình mà NHNN đưa ra các TCTD sẽ phải giảm dần tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng nghĩa việc các nhà băng phải siết cho vay lĩnh vực BĐS.
Siết tín dụng chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, có ý kiến cho rằng sẽ khiến các DN BĐS khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng. Điều này là chắc chắn, song theo một chuyên gia chia sẻ, đó là cái giá phải trả trong ngắn hạn. Bởi “cái lợi mà chúng ta nhận được dài hạn là thị trường BĐS với yếu tố rủi ro sẽ được kiềm chế hơn rất nhiều. Về ngắn hạn, trong vòng 1-2 năm có thể có tác động nhưng về lâu dài có lợi cho thị trường BĐS. Kiểm soát được rủi ro sẽ giúp thị trường BĐS tăng trưởng và phát triển một cách bền vững, ổn định trong tương lai”.
Đối với các nhà đầu tư, đây là điểm cần lưu tâm vì buộc họ phải có những dự tính cho đường dài, chứ không thể chỉ trông chờ ở một vài năm. “Chính sách của NHNN có thể tạo ra khó khăn nhất thời cho các nhà kinh doanh BĐS, nhưng về mặt thị trường đây là điều có lợi và cần thiết”, một chuyên gia khác nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. LS Bùi Quang Tín cũng nhận thấy, nếu không làm rốt ráo việc kiểm soát chất lượng tín dụng vào BĐS thì nguy cơ trở lại thời kỳ “bong bóng” như năm 2006 - 2007 nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy cách thức quản lý, quy chế, quy định ngày càng chặt chẽ hơn nhưng cũng không vì thế mà chúng ta lơ là, thiếu cẩn trọng có thể dẫn tới hệ quả “bong bóng” rồi mới tìm cách giải quyết. Việc nâng cao hệ số rủi ro trong cho vay BĐS, giảm tỷ lệ vốn vay đổ vào lĩnh vực BĐS, hay bản thân các NH cũng phải có sự chọn lọc cho vay những dự án mang tính khả thi, tránh đổ vốn vào ồ ạt.
Chuyên gia cũng lưu ý, cũng cần giám sát chặt cho vay tiêu dùng vì khả năng vốn cho vay này “đi vòng” vào đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán. Vấn đề là làm sao để NHNN kiểm soát hiệu quả nhất chuyện này, để dòng tiền đổ vào nền kinh tế, sản xuất kinh doanh hiệu quả và lành mạnh nhất.
Ngành NH đang ở trong giai đoạn chạy nước rút cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Theo TS. Tín, tái cơ cấu NH đồng nghĩa với tái cơ cấu về nhiều mặt như nhân sự, chính sách, hay về vốn… đặc biệt các quy định trong cho vay, huy động vốn khi yêu cầu tín dụng phải gắn với chất lượng. “Theo tôi nhìn nhận, đã tới lúc nhà điều hành sẽ quản lý bằng định lượng cụ thể, cho vay phải gắn với chất lượng. Năm nay các nội dung trong đề án cơ cấu lại các TCTD sẽ gắn liền với những chỉ tiêu định lượng. Những chỉ tiêu này liên quan tới những gì NH được và không được phép làm, thậm chí chia cổ tức bao nhiêu % cũng cần gắn với tỷ lệ nợ xấu của NH đó”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Thủ tướng vừa có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó nêu rõ: NHNN cần có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử. Tiếp tục điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ đầu năm; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tiền mặt trong lưu thông...
|