Trong 4 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ.
Giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh
Thời gian qua, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành CSTT của NHNN
Ngay từ đầu năm 2018, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN đã định hướng, năm 2018 ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế. NHNN đã chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Về phía các TCTD, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định.
Trên thị trường ngoại tệ, theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 4 tháng đầu năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Về điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 20/4/2018, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,43% so với cuối năm 2017. Tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến hết ngày 28/02/2018, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục xu hướng tích cực, cụ thể: Tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 0,88%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,58%, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 2,1%, tín dụng xuất khẩu tăng 2,25% so với cuối năm 2017; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 21,15% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu bước đầu đạt kết quả
Trong năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15/1/2018) – điều này mang tính quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý, hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu, nhờ đó xử lý nợ xấu có nhiều tiến triển. Sự ra đời của những văn bản quan trọng trên đã tạo thêm cơ sở pháp lý và điều kiện cho ngành ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thanh tra, giám sát, cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của toàn ngành ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu đã giảm và tiếp tục được kiểm soát hiệu quả.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
NHNN đã dần hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thanh toán, bên cạnh hoàn thiện về hành lang pháp lý cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với việc phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán, chất lượng dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... qua đó hoạt động thanh toán đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng thẻ ngân hàng được phát hành và giá trị giao dịch qua thẻ tăng khá nhanh. Các NHTM đã được tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến.... ). Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật của thẻ ngân hàng được tăng cường bằng cách áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, chuẩn an toàn bảo mật dữ liệu thẻ. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng...Đến cuối tháng 12/2017, trên toàn quốc có 17.558 ATM và 268.813 POS (tăng 10% so với 2016). Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016; tỷ lệ rút tiền mặt tại ATM tiếp tục giảm từ 15,71% (năm 2016/2015) xuống 6,86% (11 tháng đầu năm 2017/2016). Trong năm 2017, số lượng giao dịch qua POS đạt gần 136 triệu giao dịch (tăng khoảng 40% so với năm 2016); giá trị giao dịch đạt trên 318 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 27% so với năm 2016).