Xác định hạn mức BHTG theo thông lệ quốc tế
Việc xây dựng cơ sở xác định hạn mức BHTG là rất cần thiết để thể hiện tính minh bạch và ổn định của chính sách; đồng thời góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hoạt động tiền tệ - ngân hàng trong bối cảnh bình thường, cũng như khi xảy ra sự cố.
Theo Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), việc xác định hạn mức cần đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ người gửi tiền, ổn định tài chính cũng như duy trì kỷ luật thị trường. Cụ thể, hạn mức BHTG cần thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: Đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, ít điều kiện tiếp cận với thông tin. Đồng thời, hạn mức cần đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chấp nhận các hành vi rủi ro, tìm kiếm ngân hàng trả lãi suất cao mặc dù biết ngân hàng đó có rủi ro cao hơn.
Hạn mức BHTG được xác định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chỉ số lạm phát và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác; tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người; sự phát triển của các công cụ tài chính mới; sự tác động của các yếu tố trên đến thành phần và quy mô tiền gửi; mức độ niềm tin công chúng…
Trên cơ sở khuyến nghị của FSB, IADI đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cách thức thiết lập hạn mức BHTG. Theo đó, hạn mức nên có giới hạn và phù hợp với mục tiêu chính sách công. Hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được 90% - 95% người gửi tiền nhỏ lẻ, nhưng phải đảm bảo một phần tỷ lệ đáng kệ giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để duy trì kỷ luật thị trường, giảm thiểu rủi ro đạo đức.
Bên cạnh đó, hạn mức BHTG phải đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG. Có cơ chế tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt trong trường hợp nguồn quỹ không đủ để chi trả tiền bảo hiểm.
Hạn mức BHTG tại Việt Nam qua các thời kỳ
Theo quy định tại Luật BHTG, hạn mức BHTG là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Hạn mức này được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong từng thời kỳ để phù hợp với sự thay đổi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/9/1999. Đến năm 2015, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP, hạn mức BHTG được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.
Từ ngày 5/8/2017, hạn mức BHTG được nâng từ 50 triệu đồng lên mức 75 triệu đồng theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh hạn mức BHTG thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Sau 20 năm BHTGVN đi vào hoạt động (1999 – 2019), hạn mức BHTG đã được điều chỉnh 2 lần và hiện tại đang ở mức 75 triệu đồng, bảo vệ toàn bộ cho khoảng 87,5% người gửi tiền, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI (90-95%).
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển tích cực với đà tăng trưởng ổn định. Năm 2018, GDP bình quân đầu người (chưa tính lạm phát) ước đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Theo khuyến nghị của IADI, hạn mức BHTG nên gấp 2 lần GDP bình quân đầu người, như vậy, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện hành là còn thấp, do mới chỉ gấp 1,28 lần GDP bình quân đầu người năm 2018.
Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, BHTGVN được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, xử lý khó khăn của các QTDND; tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND và nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm tiền gửi vào việc xử lý các TCTD yếu kém; qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng - đây cũng là quan điểm xuyên suốt của quá trình này.
Về khả năng thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN, từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, nhờ tích lũy, quản lý và đầu tư bài bản, đến nay tổng tài sản của BHTGVN đã đạt trên 60.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể, giúp BHTGVN luôn sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền khi cần thiết và là tiền đề để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Bên cạnh đó, qua tiếp xúc với người gửi tiền và các tổ chức tham gia BHTG, nhiều ý kiến cho rằng hạn mức 75 triệu đồng hiện tại còn thấp và mong muốn Chính phủ, NHNN cân nhắc điều chỉnh tăng lên để càng thu hút được tiền gửi nhàn rỗi từ dân cư, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho người dân gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG.
Để chính sách BHTG tiếp tục phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG – chẳng hạn, nâng hạn mức BHTG. Điều này cũng phù hợp với chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của Chính phủ, NHNN; quy mô ngày càng mở rộng của hệ thống các TCTD, kỳ vọng của người dân và xu hướng hoạt động BHTG trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.