Chi trả và hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi
Chi trả tiền bảo hiểm xảy ra khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán. Chi trả BHTG là việc thực hiện cam kết thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm tiền gốc và tiền lãi theo một mức độ nhất định của tổ chức BHTG cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm, tuỳ thuộc vào quy định về hạn mức chi trả của mỗi hệ thống BHTG.
Chi trả BHTG là cách thức cuối cùng áp dụng, khi mọi biện pháp nhằm khôi phục cho tổ chức tham gia BHTG hoạt động bình thường không còn hiệu quả. Chi trả tiền bảo hiểm là sự khẳng định dễ nhận biết nhất về quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo. Việc chi trả kịp thời, thuận tiện cho người gửi tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an tâm của dân chúng với các ngân hàng khác chưa bị đổ vỡ và có thể giảm thiểu rủi ro khủng hoảng hệ thống bất thường. Chi trả BHTG tăng niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng, dập tắt khủng hoảng cục bộ tại ngân hàng đổ vỡ, không để lây lan ra hệ thống.
Hạn mức chi trả BHTG được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi như sau: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.
Hạn mức chi trả được xác định phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Thông thường, người gửi tiền có xu hướng lựa chọn những tổ chức huy động tiền gửi có lãi suất cao để gửi tiền, mà lãi suất cao thường đi kèm rủi ro cao. Trường hợp tổ chức huy động tiền gửi hoạt động không tốt, mà huy động được nhiều do chính sách lãi suất cao, khi bị phá sản, đóng cửa, rủi ro lại chuyển cho tổ chức BHTG. Chính vì vậy, hạn mức chi trả được khuyến nghị là không quá cao để người gửi tiền quan tâm, lựa chọn tổ chức hoạt động an toàn để gửi tiền, đồng thời không quá thấp để khuyến khích người gửi tiền an tâm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Hạn mức chi trả BHTG phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau: Thu nhập quốc nội bình quân đầu người (GDP); quy mô quỹ BHTG; tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ trên tổng số người gửi tiền.
Hạn mức chi trả BHTG ở nước ta hiện nay
Ở Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi được thành lập năm 1999, với hạn mức chi trả khi đó là 30 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm xây dựng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức chi trả trên thế giới vào khoảng 3-12 lần GDP bình quân.
Năm 2017, hạn mức chi trả tăng lên 75 triệu đồng, sau khi được điều chỉnh lên 50 triệu đồng từ năm 2003 và duy trì trong suốt 14 năm sau đó. Hạn mức này có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền [1], và gấp khoảng 1,5 lần GDP thời điểm cuối năm 2016 (GDP năm 2016 là 2.215 USD, [2]).
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 3 năm vừa qua, hạn mức này đã không còn phù hợp nữa , do thu nhập và số tiền gửi bình quân của người dân đã tăng, vượt xa mức 75 triệu đồng. Khi xảy ra hiện tượng mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta năm 2019 – khoảng 2.700 USD [3] (theo cách tính cũ và khoảng 3.000 USD theo cách tính mới).
Với những phân tích nêu trên, việc tăng hạn mức chi trả BHTG là cần thiết. Kinh nghiệm cho thấy, hạn mức chi trả càng cao, người gửi tiền càng an tâm khi gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một số khuyến nghị
Hạn mức chi trả BHTG là 75 triệu đồng như hiện nay là không còn phù hợp. Tuy nhiên, hạn mức chi trả tăng ở mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là nguồn chi trả.
Khi xác định hạn mức chi trả cao hơn tầm năng lực tài chính cho phép, cần tăng phí BHTG để đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đáp ứng khả năng chi trả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 như hiện nay sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì vậy, với năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như hiện nay, đồng thời với việc điều chỉnh hạn mức chi trả cần có độ dài áp dụng, không chỉ cho riêng năm điều chỉnh, mà còn áp dụng cho những năm sau đó, hạn mức chi trả BHTG khuyến nghị nên được điều chỉnh ở mức khoảng 125 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, tức là tương đương 2 lần GDP năm 2019 theo cách tính cũ.
Như vậy, người gửi tiền sẽ an tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần tăng huy động vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.
Th.s Lê Việt Dũng – Phó trưởng ban Phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Tài liệu tham khảo
1.https://www.pti.com.vn/-bao-hiem-tien-gui-bao-ve-duoc-87-32-so-luong-nguoi-gui-tien.html
2.https://ndh.vn/vi-mo/gdp-nam-2016-chi-at-6-21-gdp-binh-quan-au-nguoi-at-2-215-usd-1102624.html
3.https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview