Ngày 18/7/2018, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng khẳng định: Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.
Thủ tướng cũng cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.
Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Diễn đàn; đồng thời giao cơ quan này chủ trì cùng với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo các tọa đàm chuyên đề chính: Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và hạ tầng số. Tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế như thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ.
Ban tổ chức kỳ vọng, những câu chuyện thực tế và kết quả “thần kỳ” mà quá trình chuyển đổi số mang lại cho việc điều hành, quản lý ở những quốc gia kể trên sẽ là nguồn cảm hứng và động lực để Việt Nam bắt tay viết nên câu chuyện thành công của riêng mình.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết: “Sự khác biệt giữa Diễn đàn lần thứ 8 này với các Diễn đàn trước là ở chỗ chúng ta đã có được sự quyết tâm cao của Chính phủ. Vì vậy, Diễn đàn lần này sẽ cùng chung tay, bắt tay vào hành động. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai”.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm vào chiều cùng ngày, Ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Các nội dung thảo luận sau đó sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước.