Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn nên không thể chủ quan.
Giá nhiều dịch vụ y tế giảm, kéo giảm CPI tháng 7 |
Ông đánh giá thế nào về diễn biến CPI tháng 7?
Mức giảm nhẹ của CPI trong tháng 7 là hoàn toàn hợp lý. Bởi mặc dù lương cơ bản tăng từ 1/7, nhưng giá nhiều dịch vụ y tế lại giảm, trong khi giá xăng dầu trong nước cũng không tăng. Trên thị trường thế giới, giá các hàng hóa khác cũng chững lại, giá dầu thô trên thế giới tháng 7 tăng không đáng kể… Nhìn chung trong tháng 7, giá cả hàng hóa cả trong và ngoài nước khá ổn định. Chỉ số CPI tháng 7 cũng đã cho thấy điều đó với mức giảm khá nhẹ.
Vậy theo ông, trong những tháng còn lại của năm nay có những yếu tố nào có thể tác động đến lạm phát?
Có chứ, như giá cả hàng hóa, giá dầu trên thế giới có thể vẫn tăng; giá cả hàng hóa ở trong nước cũng có thể tiếp tục tăng; mặc dù lương cơ bản bắt đầu tăng từ 1/7, nhưng có thể đến tháng 8 mới thực sự có tác động. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực do đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới và điều đó cũng tạo ra áp lực nhất định đối với lạm phát.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản sẽ không có biến động mạnh trong những tháng tới. Lạm phát cơ bản tháng 7 chỉ tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước, tức vẫn ở trong ngưỡng điều hành là từ 1,5 đến 1,8%. Điều này có nghĩa lạm phát năm nay không phải do yếu tố tiền tệ mà do các yếu tố chi phí đẩy.
Thông thường các năm trước, tính chu kỳ của lạm phát thể hiện khá rõ khi thường tăng mạnh hơn vào những tháng cuối năm. Với năm nay thì ông nhận định như thế nào?
Tất nhiên là lạm phát vẫn sẽ có tính chu kỳ nhất định, nhưng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, cũng như các bộ, ngành, địa phương cũng đã có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát tính chu kỳ của lạm phát. Nên có thể theo chu kỳ thì lạm phát vẫn tăng trong những tháng cuối năm, nhưng sẽ được các cơ quan quản lý kiểm soát để làm sao ở mức tăng nhẹ nhàng hơn và không bị vượt quá mức 4% mục tiêu đặt ra.
Nguy cơ về cuộc chiến thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu dịu đi khi Mỹ với EU mới đây đã ký thỏa thuận sẽ không áp thêm các thuế mới trong khi đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại. Theo ông, điều này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?
Tôi cho rằng đây là một thông tin tích cực. Thế nhưng điều người ta thấy sát sườn và quan tâm hơn khi nhìn về tác động đến Việt Nam là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Hiện căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm đi, chưa có hồi kết và với quan điểm “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay thì cũng chưa thể dự báo hết được nó sẽ đi đến đâu. Và rõ ràng đó là một ẩn số, là một rủi ro tác động khá nhiều đến Việt Nam, bao gồm cả lạm phát.
Vậy về mặt ngắn hạn thì các giải pháp để kiềm chế lạm phát là gì cho những tháng còn lại của năm nay, thưa ông?
Tôi cho rằng xử lý các vấn đề liên quan đến yếu tố chi phí đẩy, kiểm soát tốt lộ trình tăng giá đối với các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý là những công việc trước mắt cần tập trung. Cùng với đó, cần tiếp tục phối hợp đồng nhịp, đồng bộ hơn nữa giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.
Ví dụ như về lãi suất, hiện NHNN muốn giữ mặt bằng lãi suất ổn định, trong khi đó nếu như Kho bạc Nhà nước, với nỗ lực để đạt kế hoạch phát hành TPCP, lại đẩy mặt bằng lãi suất TPCP cao hơn thì rõ ràng là không phối hợp tốt được với chính sách tiền tệ. Hay khi NHNN muốn trung hòa lượng tiền ra nền kinh tế không quá nhiều, nhưng nếu Bộ Tài chính lại không phối hợp tốt, đưa lượng tiền ra nhiều quá thì cũng không nên.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên giữ mặt bằng lãi suất ổn định để giảm áp lực đối với tỷ giá, bởi tỷ giá cũng có tác động tương đối lớn đến lạm phát.
Đồng thời, tôi cho rằng về tăng trưởng tín dụng thì năm nay không nhất thiết phải đạt 17%. Bởi tín dụng cung ứng ra nền kinh tế trong những năm vừa qua đã ở mức tương đối cao rồi, trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM không tăng theo kịp. CAR của hệ thống NHTM hiện nay nếu chiếu theo Basel 2 thì chưa đạt yêu cầu trong khi thời hạn để áp chuẩn Basel 2 đối với 10 ngân hàng thí điểm cũng sắp hết rồi.
Đó là chưa kể là còn những rủi ro tiềm ẩn, như nợ xấu tăng trong tương lai nếu chúng ta đẩy tín dụng ra quá nhiều. Một yếu tố quan trọng khác là cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để tránh lạm phát kỳ vọng.
Các giải pháp căn cơ là gì, thưa ông?
Về trung và dài hạn, một mặt cần thường xuyên kiểm soát lượng cung tiền hợp lý và hiệu quả, mặt khác cần tiếp tục phối hợp các chính sách thật nhịp nhàng. Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục linh hoạt hóa hơn đối với chính sách về tỷ giá, trong đó cần lưu ý hiện nay là cấu trúc thương mại Việt Nam với các nước đã có những thay đổi. Ví dụ, trước đây mình nhập siêu lớn nhất là từ Trung Quốc nhưng bây giờ lại là từ Hàn Quốc.
Về lâu dài, cần hướng tới kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Song hành với đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các DNNN và các TCTD yếu kém. Tôi cho rằng, hiện nay là thời điểm vàng để chúng ta đẩy nhanh tái cơ cấu.
Bởi vì kinh tế đang có mức tăng trưởng tốt và có sự đồng thuận rất cao của xã hội liên quan đến tái cơ cấu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước, tăng 2,13% so với cuối năm 2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2018 so với 7 tháng 2017 tăng 3,45%. |