Thực tiễn hoạt động kiểm tra tổ chức tham gia BHTG thời gian qua
Sau khi Luật BHTG được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, căn cứ các quy định của Luật BHTG, Hội đồng quản trị BHTGVN (HĐQT) đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 V/v ban hành Quy chế kiểm tra của BHTGVN đối với tổ chức tham gia BHTG (Quy chế 801), đây là cơ sở để các đơn vị kiểm tra của BHTGVN triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống theo đúng đúng chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định tại Luật BHTG. Theo đó, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quy chế 801, BHTGVN đã hoàn thành tốt việc thực hiện kiểm tra trung bình khoảng 400 tổ chức tham gia BHTGVN/năm về việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG.
Công tác kiểm tra của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG đều được tiến hành kiểm tra theo đúng kế hoạch, nội dung trong Đề cương kiểm tra đã được phê duyệt đối với từng đơn vị. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên Đoàn kiểm tra đều thực hiện nghiêm túc các công việc được phân công, phối hợp tốt để giải quyết các vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thông qua hoạt động kiểm tra, BHTGVN đã phát hiện và kiến nghị các đơn vị được kiểm tra khắc phục những tồn tại, thiếu sót về niêm yết Chứng nhận BHTG; quản lý, hạch toán tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm; xác định đối tượng được BHTG để tính và nộp phí BHTG; chấp hành quy định thông tin báo cáo đối với BHTGVN...; cũng như việc tuân thủ quy định của NHNN trong nghiệp vụ huy động tiền gửi của người gửi tiền. Các kiến nghị của BHTGVN đã được các tổ chức tham gia BHTG tiếp thu chỉnh sửa nghiêm túc và có chuyển biến tích cực, qua đó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh và nâng cao uy tín của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Bên cạnh đó, việc phối hợp với NHNN trong quá trình kiểm tra, đặc biệt là xử lý kết quả kiểm tra đã được các Chi nhánh BHTGVN thực hiện một cách thường xuyên, từ đó nhận được sự ủng hộ, phối hợp của chi nhánh NHNN trong công tác kiểm tra và xử lý các vấn đề tồn tại sau kiểm tra. Sự phối hợp này đã được các chi nhánh BHTGVN thực hiện ngay từ trước khi kiểm tra, trong khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra để tránh chồng chéo, sau khi kết thúc kiểm tra, kết quả kiểm tra đều được thông báo tới Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng (CQTTGSNH), NHNN Chi nhánh tỉnh/ thành phố, trong đó nêu rõ những đề xuất, kiến nghị và phối hợp xử lý những vi phạm phát hiện qua kiểm tra. Những thông tin mà BHTGVN cung cấp về tình hình của các tổ chức tham gia BHTG được kiểm tra đã giúp NHNN kịp thời nắm bắt được vi phạm của đơn vị để có biện pháp xử lý, qua đó ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò hoạt động kiểm tra của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện và theo dõi, tổng hợp kết quả kiểm tra trong toàn hệ thống cho thấy một số nội dung của Quy chế 801 không còn phù hợp cần sửa đổi nhằm góp phần triển khai hoạt động kiểm tra của BHTGVN có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, để triển khai tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 V/v tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 V/v chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND, BHTGVN đã triển khai việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND thông qua cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra của NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố và thành lập các Đoàn kiểm tra QTDND để thực hiện kiểm tra đối với các QTDND mà NHNN yêu cầu.
Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra tại BHTGVN
Trước thực tế đó, HĐQT đã đưa nội dung về sửa đổi, bổ sung Quy chế 801 vào Chương trình xây dựng văn bản quản trị, điều hành của BHTGVN năm 2021, trong đó giao Phòng Kiểm tra - Trụ sở chính làm đầu mối xây dựng và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế 801. Qua quá trình triển khai xây dựng, xin ý kiến và thẩm định, ngày 27/9/2021 HĐQT đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-BHTG V/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế kiểm tra của BHTGVN đối với tổ chức tham gia BHTG ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của HĐQT (Quyết định 609). Theo đó, Quyết định 609 sửa đổi 15 Điều, khoản tại Quy chế 801, đồng thời bổ sung mới 01 Mục (với 03 Điều), 01 Điều và 01 khoản thuộc Điều. Sau đây là những điểm mới đáng chú ý tại Quyết định 609:
Thứ nhất, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ nhằm làm rõ hơn về các chủ thể liên quan đến hoạt động kiểm tra: đơn vị kiểm tra, đối tượng kiểm tra, điểm giao dịch của đối tượng kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra. Đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra diện rộng đối với Trụ sở chính và một số hoặc toàn bộ điểm giao dịch của đối tượng kiểm tra; cũng như quy định về kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN để phù hợp với thực tế trong việc xác định chủ thể và tính chất của hoạt động kiểm tra hiện nay.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung về mục đích và căn cứ kiểm tra để phù hợp với thực tế triển khai công tác kiểm tra đối với QTDND theo yêu cầu của NHNN mà BHTGVN đã thực hiện từ năm 2019 cho tới nay.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung kiểm tra, trong đó: Bãi bỏ nội dung kiểm tra “những thay đổi, bổ sung về hồ sơ pháp lý tham gia BHTG” (gồm giấy phép thành lập và hoạt động; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); sửa đổi các nội dung kiểm tra liên quan đến Chứng nhận tham BHTG; việc nhận tiền gửi được bảo hiểm; bổ sung nội dung kiểm tra theo yêu cầu của NHNN đối với QTDND; cũng như bổ sung cách thức người ra quyết định kiểm tra xác định và ra quyết định kiểm tra đối với các nội dung kiểm tra đã được quy định.
Thứ tư, sửa đổi quy định về thời hạn kiểm tra và thời kỳ kiểm tra để phù hợp với thực tế tiến hành cuộc kiểm tra, theo đó: tăng thời hạn kiểm tra tại Trụ sở chính của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã từ không quá 15 ngày làm việc lên không quá 20 ngày làm việc; bổ sung quy định để làm rõ hơn về thời kỳ kiểm tra đối với từng trường hợp cụ thể; đồng thời bổ sung quy định về về thời hạn kiểm tra và thời kỳ kiểm tra đối với QTDND theo yêu cầu của NHNN.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kế hoạch kiểm tra: Lùi thời hạn trình phê duyệt kế hoạch kiểm tra cho phù hợp với Quy định về lập và quản lý thực hiện kế hoạch tài chính của BHTGVN (chậm nhất ngày 30 tháng 9 hàng năm); bổ sung việc giao kế hoạch kiểm tra diện rộng tới các đơn vị kiểm tra để triển khai thực hiện; bổ sung quy định về việc gửi kế hoạch kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tới CQTTGSNH, NHNN Chi nhánh theo quy định về cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN.
Thứ sáu, bổ sung 01 Mục quy định về việc triển khai kế hoạch kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN phù hợp với thực tế, trong đó bao gồm: Xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai kiểm tra; Tổ chức triển khai kiểm tra và Thông báo kế hoạch triển khai kiểm tra theo yêu cầu của NHNN tới CQTTGSNH và NHNN chi nhánh.
Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến bước chuẩn bị tiến hành cuộc kiểm tra, bao gồm: Bổ sung các yếu tố cần có tại Quyết định kiểm tra; sửa đổi, bổ sung quy định về việc thông báo kế hoạch kiểm tra trên diện rộng.
Thứ tám, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đoàn kiểm tra phù hợp với cách thức tổ chức đoàn kiểm tra hiện nay, bao gồm: Bổ sung quy định về Phó Trưởng đoàn và Tổ trưởng Tổ kiểm tra; sửa đổi, bổ sung quy định về việc thay đổi Trưởng đoàn kiểm tra và thay đổi, bổ sung thành viên đoàn kiểm tra; bổ sung quy định giữa Phó Trưởng đoàn kiểm tra với Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên.
Trên đây là những điểm mới đáng lưu ý tại Quyết định số 609/QĐ-BHTG V/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế kiểm tra của BHTGVN đối với tổ chức tham gia BHTG ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của HĐQT. Với việc sửa đổi, bổ sung Quy chế kiểm tra, từ đây chắc chắn rằng việc triển khai hoạt động kiểm tra của BHTGVN theo quy định mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, đáp ứng được yêu cầu được NHNN và Ban lãnh đạo BHTGVN đặt ra, cũng như giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.