NHX mới chỉ đạt cấp độ một
TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT NHTMCP BIDV cho rằng, theo nghĩa hẹp, NHX đề cập đến các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải khí các bon. Ở mức độ rộng hơn, NHX là ngân hàng bền vững, đặt lợi ích của ngân hàng gắn liền với lợi ích của môi trường, xã hội. Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, NHX hoạt động như một ngân hàng truyền thống, trong đó cung cấp các sản phẩm dịch vụ vượt trội cho khác hàng và triển khai các chương trình giúp ích môi trường, cộng đồng.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, trong mô hình tăng trưởng xanh tại các quốc gia phát triển hiện nay, NHX góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa; góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống người dân. NHX cũng tạo động lực, yêu cầu các định chế tài chính tăng cường tính hiệu quả, phù hợp với xu thế, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho ngân hàng và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng sạch hơn, sử dụng nguồn lực có trách nhiệm hơn. Mô hình NHX còn tạo cơ hội để các tổ chức tài chính xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam, là cánh tay đắc lực cho Nhà nước trong kiểm tra, giám sát phát hiện các hành vi nợ xấu của doanh nghiệp không thực hiện theo chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh, qua đó hạn chế rủi ro tín dụng, rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý cho ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù thời gian gần đây, các ngân hàng tại Việt Nam đã quan tâm hơn tới mô hình này nhưng hiện tại, chưa có một NHTM Việt Nam được coi là ngân hàng xanh đúng nghĩa, hầu hết chỉ ở cấp độ một trong mô hình NHX 5 cấp độ. (Mô hình NHX 5 cấp độ được Katrin Kaeufer – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Presencing đưa ra trong một nghiên cứu về mô hình ngân hàng xanh và trách nhiệm xã hội được thực hiện năm 2010). Theo Katrin Kaeufer, ở cấp độ 1, các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện các hoạt động phụ, bằng cách tài trợ cho các sự kiện “xanh” và tham gia các hoạt động công cộng (hầu hết các ngân hàng đều đang ở cấp độ này).
Cùng nhận định trên, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các ngân hàng tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ xanh của ngân hàng hay các hoạt động cho vay, dịch vụ tín dụng gắn với cam kết về môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ hầu hết lại gắn với nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế, các ngân hàng tham gia dự án buộc khách hàng phải tuân thủ các cam kết về môi trường mới được vay vốn mà không phải được xây dựng một cách chủ động của các ngân hàng, trong khi các dịch vụ này là bộ phận lớn trong việc xây dựng một NHX.
Về khả năng tiếp cận tài chính xanh của các doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Huệ - Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra kết quả sau cuộc khảo sát đối với 150 doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 8/2016. Theo đó, chỉ có 34% doanh nghiệp đã từng đề xuất vốn vay ngân hàng cho các dự án xanh. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cũng không quan tâm đến các doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào các dự án gây tác động xấu đến môi trường. Điều này cho thấy chính sách tín dụng xanh chưa thực sự hiệu quả và chưa lan tỏa do nhận thức của xã hội về tài chính và NHX còn hạn chế, coi tăng trưởng xanh là cái giá phải trả cho môi trường chứ không phải là cơ hội kinh doanh.
Tích cực phát triển mô hình NHX tại Việt Nam
Để phát triển mô hình NHX tại Việt Nam, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đưa ra danh mục các lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên hỗ trợ hay cần hạn chế trong chiến lược phát triển NHX để các NHTM tham khảo làm căn cứ trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt đối với các NHTM tài trợ tín dụng cho các dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Huệ, trên thực tế, dù doanh nghiệp và người dân có ý thức về sự cần thiết tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường nhưng vẫn không tuân thủ một cách triệt để. Do đó, cần nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này. Để áp dụng mô hình ngân hàng xanh tại Việt Nam, về phía Chính phủ cần xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động ngân hàng xanh như thuế, phí, hỗ tợ tín dụng xanh. Thí điểm thành lập một NHX và nhân rộng mô hình nếu thành công. NHNN cần có các chính sách khuyến khích các NHTM cấp tín dụng ưu đãi (về hạn mức, lãi suất) cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh…; đặt mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của Việt Nam về tỷ lệ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó là tuyên truyền, quảng bá ý thức sử dụng hàng hóa, sản phẩm xanh của người tiêu dùng Việt Nam.
Về phía các NHTM, bà Nguyễn Thị Minh Huệ cho rằng, các ngân hàng cần chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch triển khai hoạt động NHX ở từng cấp độ. Chủ động tìm kiếm khách hàng, nhu cầu tài chính xanh và tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cũng đưa nhận định, các NHTM cần tăng cường đánh giá tác động của các dự án đến môi trường, xã hội như: thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án trước khi cấp tín dụng; loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường xã hội; định kỳ kiểm tra, giám sát việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng.