Mặc dù quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua đã trải qua không ít chông gai, song cũng đạt những kết quả nhất định. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, năm 2016, Ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống, xử lý nợ xấu; trong đó, NHNN phối hợp với các bộ, ngành có những giải pháp tổng thể và chi tiết theo từng giai đoạn, từng tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn còn những vấn đề tồn tại, như tín dụng tập trung vào bất động sản, các dự án BOT giao thông... khiến nợ xấu còn cao, quá trình tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu. Dù không phổ biến, nhưng vẫn có những TCTD để xảy ra tình trạng cán bộ tín dụng cố ý làm trái pháp luật.
Trong năm 2017, NHNN đã xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Ngân hàng. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; đang hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch, cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại đề án. "NHNN đã xác định mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 theo hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự, kỷ cương, đi đôi với tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng" - Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ.
Điểm chú ý, đối với các TCTD yếu kém, NHNN sẽ cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị theo lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị và phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng sẽ gắn với xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, gắn với phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ).
Đối tượng cơ cấu lại sẽ là tất cả các TCTD, trong đó có cả các ngân hàng thương mại mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng), được chia theo từng loại hình: Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính; nhóm TCTD nước ngoài... và mỗi nhóm đều có các giải pháp cơ cấu lại đối với các TCTD lành mạnh và TCTD yếu kém.
Chương trình tái cơ cấu trong giai đoạn mới cũng chú trọng việc các ngân hàng thương mại tự xử lý, nhưng sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ dài hạn; mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp và quỹ đầu tư tài chính của nước ngoài qua các giải pháp tăng room đầu tư, bán nợ, tài sản công để tạo thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm những ngân hàng mua 0 đồng, không tiếp tục kéo dài tổn thất tài chính đối với những đơn vị này mà phải sáp nhập, hoặc bán lại cho các ngân hàng khác theo nguyên tắc thị trường... Ngành Ngân hàng cũng đặt mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định kiềm chế lạm phát, điều hành đồng bộ linh hoạt thị trường tiền tệ, ổn định công cụ lãi suất để giữ ổn định mặt bằng và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.