Ngày 20/3/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Tọa đàm Phát triển Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và yêu cầu bắt buộc về tăng cường năng lực hoạt động thanh tra, giám sát mạng lưới QTDND.
Toàn cảnh tạo đàm (Ảnh: Hoàng Giáp) |
Nhằm hỗ trợ các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để phát triển một ngành tài chính vi mô năng động và có hiệu quả với các tổ chức tài chính đa dạng hoạt động trong một môi trường an toàn và hài hòa, ADB đã tài trợ cho Chính phủ Việt Nam Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về “Tăng cường năng lực hoạt động và giám sát tài chính vi mô”.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Hoàng Thị Phương Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) cho biết, để đạt được chính là tăng cường có hiệu quả năng lực hoạt động và giám sát ngành TCVM, Dự án hợp tác kỹ thuật sẽ tập trung triển khai các hoạt động về tuyền truyền, phổ biến và tập huấn cho các cán bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan giám sát hoạt động tài chính vi mô của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM), NHCSXH, Ngân hàng Hợp tác (CoopBank) và các QTDND về thực hành hoạt động TCVM tốt nhất và các chuẩn mực về giám sát, quản lý.
Vừa qua, Chính phủ đã giao NHNN xây dựng Đề án Phát triển Hệ thống QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là Đề án quan trọng nhằm xác định hiện trạng hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay, đồng thời xây dựng định hướng phát triển của hệ thống trong thời gian tới, qua đó góp phần phát triển hoạt động TCVM nói chung.
Hiện có khoảng 1.166 QTDND hoạt động trên 56 tỉnh, thành phố với hơn 1,93 triệu thành viên. Tổng tài sản trên 90.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận về hoạt động của QTDND, ông Hoàng Quốc Mạnh – Phó Chánh Văn phòng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, hệ thống QTDND ngày càng hoàn thiện. Hệ thống QTDND được chuyển đổi từ mô hình 3 cấp sang 2 cấp hoạt động hiệu quả. Khi Hiệp hội QTDND được thành lập, Ngân hàng Hợp tác (CoopBank) ra đời đã tạo mối liên kết chặt chẽ với QTDND.
Thông qua Hiệp hội và CoopBank đã có sự gắn kết các quỹ tín dụng với nhau hiệu quả hơn; Chất lượng hoạt động của hệ thống ngày một nâng lên, giúp phát triển hệ thống có quy mô ngày càng tăng, ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực với người vay vốn. Nợ xấu của hệ thống QTDND giảm, kinh doanh có lãi, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ được củng cố và tăng cường. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,91%/ tổng dư nợ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Hội thảo, hệ thống QTDND vẫn còn khó khăn với và cần đặt ra giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, ông Mạnh cho rằng, cần tiếp tục kiện toàn mô hình hệ thống, tạo mối liên kết chặt chẽ hỗ trợ nhau phát triển. Trong đó, mối liên kết hệ thống chặt chẽ giữa CoopBank, các QTDND và Hiệp hội QTDND phải được đẩy mạnh hơn nữa. Cung cấp hỗ trợ điều hòa thanh khoản vốn cho QTDND; tạo cơ chế thiết chế an toàn, hỗ trợ đào tạo hỗ trợ nhau cùng phát triển. “Thời gian qua cũng đã làm, nhưng thời gian tới còn nhiều vấn đề phải củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của QTDND hơn nữa.” – ông Mạnh nhấn manh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh tới việc phải phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Hợp tác xã và Hiệp hội QTDND, đặc biệt là Hiệp hội QTDND luôn hướng về thành viên. Tạo lập và phát huy đầy đủ các cơ chế của hệ thống để hỗ trợ QTDND về quỹ bảo toàn, kiểm toán, đào tạo…