Trong bối cảnh TTCK duy trì tăng trưởng tốt như hiện nay, theo các chuyên gia, việc NH gọi vốn mới cả trong và ngoài nước hoặc lên sàn trong năm 2018 là rất phù hợp. Các NH đã không bỏ lỡ cơ hội này, nhiều NH lên phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, chia cổ tức…
Đáng chú ý nhất là HĐQT của VPBank trình Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn khủng trong năm 2018 thêm 12 nghìn tỷ đồng lên gần 28 nghìn tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành gồm: chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, chào bán cho người lao động, phát hành riêng lẻ cho NĐT trong, ngoài nước… Nếu thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng thêm 77% so với vốn điều lệ hiện tại.
Khi các NH lên sàn, vấn đề nhà đầu tư quan tâm là chất lượng tài sản, hoạt động cũng như vị thế của NH đó trên thị trường |
Giải thích cho kế hoạch tăng vốn “khủng” lần này, lãnh đạo VPBank cho biết, nếu tăng vốn thành công, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mới sẽ đạt 18% tăng 3,4% so với cuối năm 2017. Còn nếu tính theo Basel II thì CAR đạt 12,6% tạo một khoảng cách rất an toàn so với mức quy định tối thiểu 8% của Thông tư 41. Mặc dù NHNN chưa yêu cầu VPBank phải áp dụng Basel II, nhưng NH vẫn chủ động thực hiện trước việc tăng vốn để đáp ứng Basel II…
Hay như VIB dự kiến chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông trong lần họp ĐHCĐ này, đồng thời sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên. Chia cổ tức bằng CP vào thời điểm này lại nhận sự ủng hộ của các cổ đông. Vì giá CP đang ở mức cao, triển vọng kinh doanh NH tích cực hơn nên việc nhận thưởng bằng CP còn được NĐT mong đợi hơn là chia tiền mặt. Như vậy, NH cũng một công đôi ba việc, vừa được lòng cổ đông, vừa cải thiện được vốn tự có, nâng hệ số CAR đảm bảo an toàn hoạt động.
Tại đại ĐHCĐ 2018, OCB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng và chia làm 2 đợt phát hành cổ phần. Đợt 1, OCB sẽ phát hành 14,2% cổ phiếu thưởng (từ lợi nhuận chưa phân phối) và phát hành thêm 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Đợt 2, phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Ngoài ra, OCB còn cho biết NH này sẽ lên sàn trong năm 2018. Lên chương trình cụ thể hơn, TPBank cho biết ngày 19/4 tới đây NH này chính thức lên sàn HSX và niêm yết 555 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm là 32.000 đồng/CP…
Việc lên sàn vào thời điểm mọi yếu tố đều đang thuận lợi như thị trường tăng điểm mạnh, kết quả kinh doanh NH tốt…chắc chắn sẽ giúp NH chào sàn thành công, cổ phiếu NH được giá. Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, đây là cơ hội rất tốt để các NH lên sàn hay thực hiện tăng vốn. Mấy năm trước để thực hiện được việc này không hề dễ dàng ngay cả đối với NH tốt chưa nói đến NH ở mức trung bình. Bởi lẽ sự chú ý của giới đầu tư đặc biệt đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam rất thấp. Giờ thì khác, sự quan tâm của cả NĐT trong và ngoài nước cao hơn nhiều như vậy dĩ nhiên các NH phải tranh thủ thực hiện kế hoạch chiến lược của mình.
Đối với OCB, theo chia sẻ của ông Tùng điều quan trọng nhất đối với NH này là hướng theo sự minh bạch. Minh bạch là cách duy nhất khẳng định niềm tin đối với khách hàng, NĐT. Cuối năm ngoái NH này công bố đã tuân thủ đầy đủ Basel II. Thông tin này gây bất ngờ đối với thị trường vì OCB là NH đầu tiên thực hiện đầy đủ quy định của Basel II mà lại không nằm trong danh sách các NH thí điểm thực hiện Hiệp ước này.
“Để tuân thủ Basel II, NH và cổ đông chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt để tăng vốn. Bản thân NH hạn chế nhiều hoạt động… Nhưng thông qua tuân thủ đầy đủ Basel II, NH mong muốn gửi thông điệp tới thị trường, khách hàng là hoạt động OCB hướng tới chuẩn mực quốc tế, nhất là đảm bảo sự minh bạch. Từ đó cải thiện đánh giá tín nhiệm của các tổ chức quốc tế đối với OCB nói riêng và hệ thống NH nói chung”, ông Tùng bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Đức Khánh - Phó giám đốc Phòng Phân tích CTCK PSI lưu ý, không phải tất cả các NH đều gặp thuận lợi đối với kế hoạch gọi vốn mới. Khi các NH lên sàn, vấn đề nhà đầu tư quan tâm là chất lượng tài sản, chất lượng hoạt động cũng như vị thế, lợi thế của NH đó trên thị trường.
Chẳng hạn NĐT xem xét NH có nền tảng tốt, có những hoạt động kinh doanh cốt lõi tập trung vào công nghệ tài chính, dịch vụ bán lẻ... Những NH nào có được nhiều lợi thế, có hệ thống mạng lưới khách hàng tiềm năng thì việc lên sàn hay thực hiện tăng vốn mới sẽ thành công hơn. Đối với NH nhỏ, nếu không tái cơ cấu mạnh mẽ, củng cố năng lực tài chính thì việc thu hút vốn mới, nhất là từ NĐT nước ngoài, cũng sẽ rất khó khăn…
“Chắc chắn sẽ có sự phân cấp giữa các NH, NH tốt trong việc thu hút sự quan tâm của các NĐT, kèm theo đó là khả năng tăng vốn thành công hay không thành công. Giá cổ phiếu tiếp tục có sự phân cấp. Tuy nhiên, tôi nhận thấy năm nay cũng là một năm thuận lợi cho việc tăng vốn của các NH”, ông Khánh bổ sung thêm quan điểm.
Theo CEO một NH, giá CP sẽ có phân cấp giữa các NH vì giá CP phản ánh một phần tình trạng hoạt động của NH, nhưng vị này cũng lưu ý giá khởi điểm ban đầu của NH khi niêm yết chưa phản ánh hết được tình trạng cũng như giá trị tiềm năng của NH mà cần phải chờ một, hai năm sau mới phản ánh rõ tình trạng hoạt động của NH đó.
Đối với những người kinh doanh CP, họ thường quan tâm nhiều hơn về giá, nhưng đối với các cổ đông có cam kết cao với NH hoặc là chính NH, giá cổ phiếu cao hay thấp không phải vấn đề quá lớn. Mối quan tâm lớn nhất mà NH cũng như các cổ đông lúc này là muốn nhìn thấy dòng tiền dồi dào sẵn sàng đầu tư vào CP đó. Còn giá CP tùy thuộc cung cầu thị trường quyết định. Khi dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường chẳng có lý do gì mà các NH lại không chọn thời điểm này để thực hiện kế hoạch lên sàn tăng vốn.