Phí BHTG là nguồn thu lớn nhất trong việc gây dựng nguồn vốn giúp nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả và tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Để đảm bảo hoạt động thu phí được thông suốt, ổn định, giữ vững mục tiêu thu đúng, thu đủ và kịp thời, ngoài việc tuân thủ tốt các quy định pháp luật, chỉ đạo của NHNN thì BHTGVN luôn cố gắng tạo thuận lợi cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (TCTGBHTG) trong quá trình tính và nộp phí BHTG.
Nguồn: Phòng Quản lý thu phí & chi trả bảo hiểm tiền gửi
Theo quy định của pháp luật, các TCTGBHTG phải nộp phí BHTG chậm nhất vào ngày 20 của tháng đầu tiên quý thu phí. Như vậy, hàng quý BHTGVN chỉ có 20 ngày để thu phí của tất cả các TCTGBHTG (1.283 tổ chức) trên cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, BHTGVN đã xây dựng hệ thống thu phí BHTG một cách hiệu quả, thể hiện ở quy trình đơn giản, thủ tục nhanh chóng, theo dõi chặt chẽ, chính xác, hướng dẫn chu đáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTGBHTG cùng phối hợp thực hiện. Cụ thể:
Các quy định, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết và rõ ràng
Để đảm bảo việc thu phí được diễn ra thông suốt và kịp thời, ngay từ đầu BHTGVN đã xây dựng các quy định, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng giúp các TCTGBHTG dễ hiểu và dễ thực hiện. Trong các văn bản này, BHTGVN ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên, hướng dẫn rõ các loại tiền gửi được bảo hiểm/không được bảo hiểm, cách thức tính phí, hình thức nộp báo cáo, nộp phí, việc xử phạt khi vi phạm… Những nội dung này được trình bày khoa học, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho các TCTGBHTG thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống.
Hướng dẫn và hỗ trợ các TCTGBHTG trong việc tính, nộp phí BHTG
Để việc thu phí đạt hiệu quả, BHTGVN đã thực hiện hướng dẫn và hỗ trợ các cán bộ trực tiếp tính và nộp phí BHTG tại các TCTGBHTG về các quy định hay hướng dẫn mới về phí BHTG, đảm bảo giúp họ hiểu đầy đủ, đúng đắn các quy định để thực hiện công việc được hiệu quả. Ngoài ra, BHTGVN cũng thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ về cách thức thực hiện, về quy trình, thủ tục cho cán bộ của các TCTGBHTG khi phát sinh các vấn đề mới, giúp các TCTGBHTG xử lý một cách nhanh chóng, góp phần quan trọng đảm bảo hoạt động nghiệp vụ thu phí BHTG diễn ra thuận lợi và suôn sẻ trong nhiều năm qua.
Phân cấp quản lý theo loại hình và địa bàn
Hiện nay, cả nước có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Có thể thấy, số lượng tổ chức tham gia BHTG khá lớn, trong đó QTDND chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Do đó, BHTGVN đã cơ cấu việc phân cấp quản lý thu phí BHTG cho các Chi nhánh BHTGVN (chi nhánh) theo phân bổ về số lượng các TCTGBHTG và khu vực. Tiếp theo đó, các chi nhánh tiếp tục phân công cho từng cán bộ thu phí quản lý các TCTGBHTG theo từng địa phương. Việc phân cấp quản lý như vậy tạo thuận tiện để BHTGVN theo dõi, nắm rõ tình hình hoạt động, hiểu rõ đặc thù của từng địa phương cũng như từng tổ chức, từ đó có thể đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ đúng và sát hơn trong việc thu phí BHTG. Điều này giúp công tác thu phí BHTG được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả cao.
Cung cấp và phản hồi thông tin nhanh chóng và thuận tiện
Thông thường, các TCTGBHTG phải cung cấp thông tin để nộp phí BHTG tới BHTGVN định kỳ trước ngày 15 tháng đầu của quý thu phí BHTG. Do thời gian lập và gửi thông tin, báo cáo rất ngắn nên việc hỗ trợ các TCTGBHTG cung cấp thông tin để nộp phí BHTG chính xác và kịp thời là vô cùng quan trọng. Nội dung này được thể hiện ở các điểm sau:
Nội dung thông tin ngắn gọn, hiệu quả
Nội dung thông tin, báo cáo cho việc nộp phí BHTG được thể hiện trong các biểu 02a/BHTG và 02c/BHTG (dành cho các đơn vị nộp phí định kỳ) hoặc 02b/BHTG (dành cho trường hợp đặc thù). Ngoài các biểu trên, các TCTGBHTG không cần phải nộp thêm các loại báo cáo nào khác trừ các trường hợp đặc biệt có yêu cầu riêng. Đối với trường hợp các TCTGBHTG bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (KSĐB) và được miễn nộp phí thì các tổ chức chỉ cần nộp bổ sung các quyết định về KSĐB (quyết định đặt vào KSĐB, quyết định gia hạn KSĐB, quyết định chấm dứt KSĐB) để làm cơ sở miễn nộp phí và thông thường chỉ cần nộp một lần cho đến khi có quyết định mới. Các mẫu biểu, thông tin cung cấp cho BHTGVN để nộp phí BHTG được thiết kế khoa học và ngắn gọn, tạo điều kiện cho các tổ chức lập và gửi thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Cách thức gửi/nhận thông tin nhanh chóng
Hiện tại, BHTGVN đã phát triển hệ thống công nghệ để hỗ trợ các TCTGBHTG trong việc cung cấp thông tin. Hệ thống này giúp việc trao đổi, chia sẻ thông tin hai chiều giữa BHTGVN và các TCTGBHTG nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, hệ thống cũng hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật các chỉ tiêu báo cáo nhằm phát hiện và liệt kê sai sót (nếu có) và phản hồi ngay tới các TCTGBHTG để thực hiện tra soát, làm rõ và gửi lại thông tin. Quá trình này diễn ra tự động, giảm bớt công sức, thời gian những vẫn đảm bảo tính khách quan, dễ tra soát thông tin cho cả BHTGVN và các TCTGBHTG. Việc cung cấp và phản hồi thông tin bằng hình thức điện tử này sẽ tạo tiền đề cho các bước phát triển sâu hơn sau này, ví dụ như thu phí hoàn toàn bằng hình thức điện tử, tạo thêm thuận lợi cho các TCTGBHTG.
Khuyến khích TCTGBHTG nộp phí bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng
Thực tiễn triển khai hoạt động thu phí BHTG thời gian qua cho thấy, việc nộp tiền/chuyển tiền bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đang ngày càng phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương không dùng tiền mặt của NHNN. Hình thức chuyển khoản phí BHTG đã được các ngân hàng phát triển và hỗ trợ rất tốt. Những ưu điểm chính của hình thức này rất rõ ràng như nhanh chóng, chính xác, dễ tra cứu, không mất công đi lại, quy trình thực hiện đơn giản… Chính vì vậy, BHTGVN khuyến khích việc nộp phí bằng hình thức chuyển khoản và hạn chế việc nộp phí bằng tiền mặt. Thực tế, hoạt động này đã được BHTGVN triển khai từ lâu và đạt được hiệu quả cao, đảm bảo việc thu phí được kịp thời, đúng thời hạn.
Linh hoạt trong xử lý thừa/thiếu phí BHTG với số tiền nhỏ
Hoạt động thu phí BHTG luôn phát sinh những trường hợp cần xử lý như: thu thừa, thu thiếu hay nộp phạt phí BHTG. Vì vậy, BHTGVN quy định có thể bù trừ số phí thừa hoặc nộp bổ sung số phí thiếu vào kỳ thu phí BHTG kế tiếp. Điều này giúp giảm bớt thủ tục và các bước thực hiện cho cả hai bên mà vẫn đảm bảo thu phí BHTG đạt hiệu quả. Trong quá trình triển khai, công tác này đã nhận được sự hưởng ứng cao, thể hiện ở việc tuân thủ rất tốt của các TCTGBHTG.
Thông báo phí
Bên cạnh việc gửi thông báo khi phát sinh thừa, thiếu, chậm phí BHTG hàng quý để các bên cùng phối hợp xử lý, định kỳ cuối năm BHTGVN cũng sẽ gửi tới các TCTGBHTG một bản thông báo phí, tổng hợp số phí BHTG đã nộp trong năm. Việc này được thực hiện để cả hai bên cùng tra soát lại số phí đã nộp trong cả năm, nhằm hạn chế trường hợp nộp thừa/thiếu phí hay các nhẫm lẫn, sai sót (nếu có) để sớm đưa ra phương án xử lý. Điều này góp phần đảm bảo hoạt động thu phí BHTG minh bạch, thông suốt, ổn định, giữ vững mục tiêu thu đúng, thu đủ và kịp thời.
Xây dựng chính sách về phí BHTG
Trải qua thực tiễn triển khai thu phí BHTG, BHTGVN đã có những văn bản kiến nghị thay đổi, bổ sung các chính sách về phí BHTG để phù hợp hơn với thực tiễn, hỗ trợ tốt hơn các TCTGBHTG. Điển hình, BHTGVN đang nghiên cứu để đề xuất ban hành các quy định cho phép được miễn, giảm, gia hạn phí BHTG đối với các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh mang tính thiết thực cao với mục đích hỗ trợ tốt hơn cho các TCTGBHTG khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn do các yếu tố bất khả kháng. Ngoài ra, BHTGVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các nội dung khác nhằm hướng tới sự thuận tiện cho việc tính và nộp phí BHTG của TCTGBHTG.
Có thể nói, thu phí BHTG là một trong những nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, BHTGVN luôn hướng đến sự thuận tiện cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là TCTGBHTG. Điều này được thể hiện từ các quy định, quy trình, thủ tục, việc áp dụng công nghệ đến đề xuất xây dựng chính sách về phí BHTG đã nêu trên. Những hoạt động đó đều hướng tới nhiệm vụ chung là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.