Đó là một trong những nội dung tại Thông tư 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 của Ngân hàng Nhà nước, quy định về việc các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông tư 21 quy định về việc các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (các tổ chức tín dụng Nhà nước) duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, các tổ chức tín dụng Nhà nước có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam (số dư tiền gửi) tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng Nhà nước bao gồm:
Tiền gửi của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và cá nhân tại tổ chức tín dụng Nhà nước dưới các hình thức: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi vốn chuyên dùng;
Tiền tổ chức tín dụng Nhà nước thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu;
Tiền gửi khác tại tổ chức tín dụng Nhà nước theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (trừ tiền ký quỹ; tiền gửi khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam).
Các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo hợp đồng tiền gửi và các phụ lục hợp đồng tiền gửi được ký giữa tổ chức tín dụng nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chậm nhất ngày 1/3 hằng năm, các tổ chức tín dụng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành việc ký kết phụ lục hợp đồng tiền gửi, bổ sung hoặc rút bớt số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông tư cũng quy định xử lý các trường hợp bổ sung hoặc rút số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội do được kiểm soát đặc biệt, được quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt. Cụ thể:
Trường hợp tổ chức tín dụng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 145b Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Thông tư này kể từ năm tiếp theo năm tổ chức tín dụng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp tổ chức tín dụng Nhà nước được kiểm soát đặc biệt trong khi đang duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng Nhà nước được rút toàn bộ số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tối đa 3 tháng kể từ ngày được kiểm soát đặc biệt.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/2/2022.